Đổi mới hình thức hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam 

Trần Ngọc Duật
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động văn hóa quần chúng là một trong những con đường “ngắn nhất” và được đánh giá hiệu quả cao nhất tác động trực tiếp và hiệu quả đến giáo dục tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, đạo đức, nếp sống, lối sống, phong cách quân nhân; làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống của họ, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của quân nhân thêm phong phú, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh trong quân đội. Trên cơ sở phân tích vai trò, thực trạng công tác văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở, bài viết đề xuất đổi mới hình thức hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Hoạt động văn hóa quần chúng; quân nhân; đổi mới hình thức, hoạt động đơn vị cơ sở; Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ảnh minh họa (mod.gov.vn)
Sự cần thiết đổi mới hình thức hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong quân đội

Hình thức hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam là con đường, cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng để chuyển tải nội dung, giá trị văn hóa đến cán bộ, chiến sĩ. Đổi mới hình thức hoạt động văn hóa quần chúng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy các cấp trong Quân đội đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa quần chúng nói chung, trọng tâm là đổi mới hình thức hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở. Từ những yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, hoạt động văn hóa quần chúng cơ bản đã được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Hiệu quả hoạt động văn hóa quần chúng đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, tăng cường đoàn kết, nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. 

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị còn những bất cập, tồn tại, như: hình thức hoạt động văn hóa quần chúng có đơn vị, có lúc chậm đổi mới; việc kết hợp đổi mới nội dung với đổi mới hình thức, nhất là việc lựa chọn nội dung đổi mới với hình thức đổi mới có thời điểm chưa phù hợp; một số hình thức còn dập khuôn máy móc, thiếu linh hoạt, sáng tạo. Tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng trong giờ nghỉ, ngày nghỉ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; tổ chức và hoạt động của tổ, đội công tác phòng Hồ Chí Minh ở một số đơn vị còn hạn chế cả về nội dung và hình thức,…

Những nội dung cơ bản trong đổi mới hình thức hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong quân đội

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa quần chúng ở các đơn vị cơ sở trong tình hình hiện nay, cần tập trung đổi mới những nội dung cơ bản sau:

Một là, đổi mới hoạt động văn nghệ quần chúng.

Để thực hiện được nội dung này, cần đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, bảo đảm cho hoạt động văn nghệ quần chúng luôn giữ đúng tôn chỉ,mục đích, phản ánh trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt, học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ; khắc phục các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường hoặc tình trạng hoạt động văn nghệ quần chúng thiếu tính chiến đấu, tính nghệ thuật và tính thực tiễn, coi văn nghệ quần chúng chỉ là hoạt động “bề nổi”.

Đổi mới hoạt động văn nghệ quần chúng phải hướng vào phản ánh, tuyên truyền kết quả huấn luyện, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, bám sát các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi đất nước, công cuộc đổi mới, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc; hướng vào xây dựng văn hóa quân sự, mối quan hệ cấp trên cấp dưới, đồng chí, đồng đội trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động văn nghệ quần chúng phải gắn chặt với các hoạt động của các đơn vị, qua đó làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ hăng say trong huấn luyện, rèn luyện.

Cán bộ chủ trì, nhất là chính trị viên đại đội, tiểu đoàn ở các đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, điều hành, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm duyệt chặt chẽ các chương trình văn nghệ; vừa bảo đảm định hướng chính trị, vừa phát huy được tính độc lập, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Nắm chắc điểm mạnh, sở trường, sở đoản của từng cá nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng của đơn vị để chỉ đạo phù hợp, đúng, trúng, dễ thực hiện. Làm tốt việc tạo nguồn, xây dựng lực lượng hạt nhân văn nghệ quần chúng để phát triển phong trào trong đơn vị. Bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ kỹ năng tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng, nhất là phương pháp xây dựng, đạo diễn chương trình văn nghệ quần chúng và chương trình giao lưu văn nghệ các ở cấp.

Đổi mới tổ chức phong trào cán bộ, chiến sĩ tham gia sinh hoạt, sáng tác, biểu diễn, hưởng thụ nghệ thuật quần chúng. Sử dụng hài hòa các loại hình, thể loại, các hình thức âm nhạc, múa, sân khấu, ca hát phù hợp với nội dung và khả năng biểu diễn của cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên phát huy vai trò  của lực lượng hạt nhân văn nghệ ở đơn vị,… Chú trọng đổi mới các hoạt động vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, văn nghệ hằng tuần, đổi mới hoạt động hội diễn và liên hoan văn nghệ quần chúng, tăng tỷ lệ phần trăm các tiết mục tự sáng tác, tổ chức liên hoan chặt chẽ từ cấp đại đội, tiểu đoàn trở lên.

Hai là, đổi mới hình thức tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghe đài, xem truyền hình, xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Hiện nay, các đơn vị đang duy trì cho cán bộ, chiến sĩ xem chương trình thời sự 19h trên VTV1; nghe chương trình phát thanh Quân đội vào 21h hằng ngày; xem chương trình truyền hình Quân đội vào 20h30 chủ nhật hàng tuần và nghe chương trình phát thanh nội bộ của đơn vị, xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hoạt động chiếu phim, băng hình theo quy định và xem các chương trình theo kế hoạch của cấp trên,… Để đổi mới nâng cao chất lượng các hình thức hoạt động này, đội ngũ chính trị viên ở các đại đội, tiểu đoàn cần thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức duy trì nền nếp chế độ theo quy định. Các đơn vị cần chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng chương trình phát thanh nội bộ theo hướng bám sát hoạt động của đơn vị và nhu cầu văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Làm tốt việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho cán bộ, chiến sĩ. 

Căn cứ tình hình thực tiễn đơn vị, có thể tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trao đổi, thảo luận về nội dung, tư tưởng của tác phẩm, rút ra những cái hay, cái đẹp cần học tập và những vấn đề cần phê phán. Nghiêm túc khắc phục hiện tượng buông lỏng, thiếu quan tâm định hướng về giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các chương trình, tác phẩm; từ đó, làm giảm hiệu quả giáo dục tư tưởng của các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ba là, đổi mới và đẩy mạnh văn hóa đọc sách, báo.

Để đổi mới hoạt động đọc sách ở các đơn vị cơ sở cần tập trung tăng cường nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chỉ huy và mọi cán bộ, chiến sĩ về vai trò, tính cấp thiết của phát triển văn hóa đọc ở đơn vị. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quyết định, thông tư, quy chế của các cấp. Quan tâm đầu tư, hiện đại hóa hệ thống thư viện. Chú trọng xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện điện tử, lấy bạn đọc làm trung tâm, phục vụ tiếp cận thông tin nhanh chóng nhất, thuận tiện nhất, tạo ra một môi trường học tập, nghiên cứu tích cực, sáng tạo cho cán bộ, chiến sĩ. Đầu tư xây dựng các phòng đọc sách chất lượng cao có kết nối Internet. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ nhân viên thư viện. Quan tâm bảo đảm đầy đủ hệ thống sách, báo, tạp chí cho đơn vị theo quy định.

Cấp ủy, chỉ huy ở các đơn vị cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc trong đơn vị. Xây dựng kế hoạch đọc sách của đơn vị và kế hoạch đọc sách hằng tuần của cán bộ, chiến sĩ; tổ chức viết thu hoạch về cuốn sách đã đọc. Chú trọng làm tốt công tác định hướng chính trị, giới thiệu kỹ năng “đọc sách hay và chọn sách quý”, bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp đọc, ghi chép, tóm tắt nội dung. Đôi ngũ cán bộ, nhân viên thư viên phối hợp với cán bộ đơn vị hướng dẫn chiến sĩ cách khai thác, lựa chọn nội dung cần đọc, biết tiếp thu các nội dung đã đọc. Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc đẩy mạnh phong trào đọc sách.Đồng thời, quan tâm đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động đọc sách của cán bộ, chiến sĩ. Tuyên truyền và tổ chức tốt ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4); xây dựng các câu lạc bộ sách và tủ sách lớp học. Định kỳ, theo tháng, quý có thể tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, chia sẻ những cuốn sách hay, bổ ích. Hằng năm, các trung đoàn có thể tổ chức hội thi tìm hiểu sách; phát động phong trào tặng sách, tổ chức “Tuần lễ văn hóa đọc”. Thông qua đó, tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vị trí, vai trò của sách trong đời sống xã hội; khơi dậy lòng yêu sách, ý thức tự giác trong đọc sách của mỗi cán bộ, chiến sĩ. 

Bốn là, đổi mới hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa trong đơn vị cơ sở.

Căn cứ vào đối tượng, đặc điểm đơn vị, nhu cầu hoạt động văn hóa của cán bộ, chiến sĩ, cấp ủy, cán bộ chủ trì các đơn vị cơ sở quan tâm tổ chức các câu lạc bộ theo sở trường, tâm lý tuổi trẻ và tận dụng ưu thế của đơn vị, khuyến khích, phát huy sức sáng tạo của họ. Đồng thời, cấp ủy, người chỉ huy (chính ủy cấp Trung đoàn) trực tiếp chỉ đạo xây dựng quy chế sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ; lựa chọn hạt nhân, phân công người phụ trách, bảo đảm điều kiện cho sinh hoạt  của các câu lạc bộ, nhất là tận dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ. Các câu lạc bộ điển hình, tiêu biểu ở các đơn vị cần được nhân rộng và duy trì hiệu quả như: Câu lạc bộ Tư vấn tâm lý, pháp lý; Câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, Câu lạc bộ hội họa, điêu khắc; Câu lạc bộ Gym, Câu lạc bộ Thơ, ca; Câu lạc bộ ghi ta và mô hình “Giờ học kiểu mẫu”; “Giờ học thanh niên tự quản”; “Chi đoàn không khói thuốc”; “Đôi bạn cùng tiến”… 

Đặc thù của các câu lạc bộ là tập hợp cán bộ, chiến sĩ có cùng xu hướng, sở thích tham gia hoạt động, cho nên phải phát huy vai trò của đoàn thanh niên trong xung kích vào hoạt động của các câu lạc bộ. Đa dạng hóa các hoạt động, các loại hình vui chơi, giải trí, học tập, huấn luyện lành mạnh, sáng tạo. Thường xuyên định hướng hoạt động của các câu lạc bộ nhằm vừa tạo sân chơi, vừa tạo môi trường để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt tập thể, kỹ năng sống cho chiến sĩ; xây dựng khối đoàn kết, tạo động lực để nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện của chiến sĩ.

Năm là, đổi mới hoạt động phòng Hồ Chí Minh.

Hệ thống phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị cơ sở đã được quan tâm đầu tư, xây dựng cơ bản, tương đối đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị. Để đổi mới hoạt động phòng Hồ Chí Minh, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với hình thức hoạt động quan trọng này. Tổ chức hoạt động phòng Hồ Chí Minh hướng vào nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Quan tâm đầu tư mua mới, bổ sung làm phong phú nguồn tài liệu, cơ sở vật chất hoạt động phòng Hồ Chí Minh. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì của các đơn vị chú trọng, khai thác, phát huy vai trò của thiết chế văn hóa phòng Hồ Chí Minh, bảo đảm chất lượng hoạt động, đúng chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tổ, đội công tác phòng Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện quyền tự do sáng tạo. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn các tổ, đội công tác phòng Hồ Chí Minh theo nội dung Quy chế Tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 2223/QĐ-CT ngày 24/12/2021 của Tổng cục Chính trị. Thường xuyên tìm tòi, đổi mới, đa dạng hóa các biện pháp, hình thức hoạt động văn hóa phòng Hồ Chí Minh cho các đối tượng, như: diễn đàn, tọa đàm, sinh nhật đồng đội, liên hoan văn nghệ, làm báo tường, báo ảnh, tổ chức tìm hiểu nội dung xuất xứ ảnh trong phòng Hồ Chí Minh, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa; hoạt động tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động phòng Hồ Chí Minh giữa các đơn vị.    

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10/11/2020 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cua Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hà Nội, ngày 04/6/2020.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXBChính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Quyết định số 2223/QĐ-CT ngày 24/12/2021 của Tổng cục Chính trị về việc ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam.