Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương – Vấn đề đặt ra và giải pháp

TS. Biền Quốc Thắng
Học viện Chính trị khu vực II
Nguyễn Thị Thảo Nguyên
Thành ủy Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác này, những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và sự phát triển của địa phương nói riêng.

Từ khóa: Xây dựng đội ngũ; cán bộ lãnh đạo, quản lý; thành phố Thủ Dầu Một; tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Trước yêu cầu “huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Mộttheo hướng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh; tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu “Dịch vụ – Công nghiệp và Nông nghiệp đô thị”, ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ chất lượng cao, nâng cao chất lượng môi trường sống, cảnh quan đô thị theo hướng bền vững”1; đòi hỏi phải coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng mà phải có sự hợp lý về cơ cấu nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một đã đề ra… Chính vì vậy, việc đi sâu phân tích một cách khách quan, có hệ thống thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở thành phố Thủ Dầu Một thời gian qua; trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp để thực hiện công tác này có hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

2. Thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Thứ nhất, về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tính đến ngày 31/12/2022, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có 86 người, trong đó có 35 người trong khối Đảng – Đoàn thể và 51 người trong khối Nhà nước2. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ cán bộ là nữ được nâng lên qua các năm. 

Thứ hai, về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; gương mẫu đi đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một được bồi dưỡng lý luận chính trị có xu hướng tăng, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một đều có ý thức trách nhiệm cao, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tận tâm, trách nhiệm; luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; có lối sống lành mạnh, hòa đồng, nhân ái; luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, được đảng viên, quần chúng nhân dân tín nhiệm. Theo kết quả khảo sát đánh giá cơ sở hành chính về cải cách nền hành chính năm 2022, có 98% ý kiến người dân đánh giá mức độ rất hài lòng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố. 

Tuy nhiên, ý thức chính trị của một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: một số cán bộ chưa thường xuyên tham gia học tập bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là học tập chuyên đề, nghị quyết của Đảng… Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia học chuyên đề, nghị quyết còn thấp, dưới 80% (so với tổng số cán bộ lãnh đạo được triệu tập). Một số ít cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm dân chủ, gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; trong công tác ít gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với quần chúng nhân dân, kiểm tra nắm tình hình có lúc chưa thường xuyên, chưa sâu sát… làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền thành phố. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 cấp ủy đã thi hành kỷ luật 33 đảng viên (khiển trách 26, cảnh cáo 7); Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thi hành kỷ luật 15 đảng viên (khiển trách 7, cảnh cáo 2, khai trừ 6); trong đó, “có 10 trường hợp đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm dân chủ, có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống”3.

Thứ ba, về trình độ chuyên môn, kỹ năng.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ đào tạo sau đại học là 31 người (chiếm 36%), còn lại là đội ngũ cán bộ có trình độ đại học là 55 người (chiếm 64%); hiện không còn cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ dưới đại học. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học có xu hướng tăng: nếu như năm 2016 là 27 người thì đến năm 2022, tăng lên 31 người4.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý vẫn còn tồn tại một số bất cập, như: trình độ chuyên môn, kỹ năng của một bộ phận đội ngũ cán bộ  lãnh đạo, quản lý chưa đều nhau giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố; có cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao, như: giáo dục, y tế… có đơn vị khác lại thấp hơn. Bên cạnh đó, thành phố đang thiếu những cán bộ có trình độ cao ở các lĩnh vực mới, như: trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, thương mại điện tử, quản lý đô thị thông minh… Những hạn chế trên đang là thách thức không nhỏ đối với thành phố trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số.

Thứ tư, về công tác cán bộ.

Thành phố Thủ Dầu Một đã quan tâm đến quy hoạch các chức danh đối với nhân sự có năng lực, có tiềm năng phát triển để luân chuyển, cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ được trưởng thành, tiến bộ nhanh, phát triển toàn diện hơn. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện luân chuyển 9 trường hợp; điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 156 trường hợp5. Đối với cán bộ luân chuyển, theo định kỳ 6 tháng, hằng năm tập thể lãnh đạo cơ quan nơi cán bộ được luân chuyển đã nhận xét, đánh giá cán bộ luân chuyển theo đúng tinh thần được quy định tại Điều 9, Quy định số 05-QĐ/TU ngày 23/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả, đại đa số cán bộ luân chuyển đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, bám sát địa bàn, tích cực nghiên cứu, học hỏi, đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, được sự tín nhiệm cao của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các cán bộ đăng ký thi tuyển bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, theo vị trí thi tuyển. Sau khi thi tuyển đạt đã được bổ nhiệm và tiếp cận nhiệm vụ khá nhanh, giải quyết công việc được giao có hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không phải là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng còn xảy ra ở một số nơi. Ngoài ra, chính sách về tiền lương, tuyên dương, khen thưởng, điều kiện làm việc… vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự tạo động lực, môi trường tốt để cán bộ lãnh đạo, quản lý yên tâm, toàn tâm, toàn ý với công việc.

3. Một số giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố Thủ Dầu Một hiện nay

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đẩy mạnh tuyên truyền các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân tại thành phố Thủ Dầu Một. Từ đó, sẽ tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tự giác trong hành động để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, mang lại kết quả tích cực. Đặc biệt, khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng cao nhận thức sẽ thôi thúc họ tự giác tu dưỡng, tự rèn luyện, cố gắng, nỗ lực, năng động, sáng tạo trong công tác; phòng ngừa, ngăn chặn được các hành vi suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến tự chuyển hóa; từ đó mà nâng cao hiệu quả của quá trình công tác. 

Thứ hai, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm bao gồm: cử cán bộ học tập về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật quốc phòng – an ninh và cử bồi dưỡng nghiên cứu tại nước ngoài. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn, cán bộ dự bị và cán bộ nằm trong diện quy hoạch do Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một quản lý, nhất là các ngành, các lĩnh vực hiện đang thiếu, như: công nghệ – thông tin, công nghệ vật liệu mới, thương mại điện tử, tự động hóa…. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp đào tạo chính quy, tập trung là chủ yếu đối với cán bộ trẻ có triển vọng; và các hình thức đào tạo không tập trung, tại chức đối với những cán bộ đương chức, lớn tuổi. Mời các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong và ngoài nước về địa phương để cập nhật kiến thức, trang bị thêm các kỹ năng, tổ chức các buổi hội thảo… nhằm nâng cao tri thức, năng lực, chia sẽ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.

(1) Công tác tuyển chọn: Hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ theo các tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm sự liên thông, liên kết giữa các khâu trong công tác cán bộ; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống danh mục, vị trí việc làm, khung năng lực của cán bộ trong hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc. Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp giữa tính thống nhất về tiêu chuẩn, điều kiện chung và đặc thù đối với từng vị trí công tác ở các địa bàn khác nhau. Đẩy mạnh hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng: mở rộng phạm vi, đối tượng đăng ký dự tuyển nhằm phát hiện, thu hút được người có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

(2) Công tác quy hoạch, tạo nguồn: Lấy quy hoạch cấp ủy làm trung tâm của quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt; quy hoạch cán bộ của cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên. Tăng cường quy hoạch nhân sự bí thư cấp ủy không là người địa phương để bảo đảm việc bố trí theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Gắn công tác quy hoạch cán bộ với công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

(3) Công tác bổ nhiệm: Xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo cơ chế cạnh tranh. Cần đề cao nguyên tắc “phù hợp” và coi trọng năng lực thực tế của cán bộ, công chức, từ đó xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm. Đổi mới, linh hoạt trong quy trình bổ nhiệm;mạnh dạn bổ nhiệm một số cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là đảng viên ở các cơ quan mang tính chuyên môn.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách đánh giá, ghi nhận, đãi ngộ cán bộ hợp lý.

Về chính sách đánh giá cán bộCoi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả thực tế thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Có cơ chế kiểm soát được quy trình, độ tin cậy của sản phẩm, kết quả công tác của cán bộ gắn với đánh giá thái độ, động cơ chính trị, nghề nghiệp của mỗi cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ từ định tính sang định lượng. Xây dựng môi trường công bằng, công khai trong đánh giá cán bộ và công tác cán bộ; tiếp thu nguồn thông tin phản ánh về cán bộ từ nhiều cá nhân và tổ chức; tổng hợp giữa sản phẩm, chất lượng, hiệu quả công tác với “uy tín thật” về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống của cán bộ qua đồng nghiệp, tập thể, những nơi cán bộ làm việc, công tác và nơi cư trú, cùng các mối quan hệ gia đình, xã hội khác có liên quan. 

Về chính sách ghi nhận, đãi ngộ, kỷ luậtCó chính sách ghi nhận, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đối với những cán bộ “7 dám” nên được cân nhắc, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng hợp lý; mạnh dạn thực hiện chính sách tiền lương đặc thù đối với những cán bộ làm việc năng động, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công tác. Cần có chính sách về nhà ở xã hội, nhà công vụ để hỗ trợ; nhất là các cán bộ trẻ nhằm giúp họ yên tâm “an cư lạc nghiệp”. Chú trọng công tác kỷ luật, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ. Kiên quyết xử lý những cán bộ lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Thứ năm, xây dựng môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi.

Môi trường, điều kiện làm việc có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc, thái độ làm việc, hiệu quả làm việc và sức khỏe của cán bộ. Môi trường làm việc được trang cấp đầy đủ các thiết bị phục vụ cho công việc, bảo đảm vệ sinh lao động… cán bộ sẽ yên tâm làm việc, phát huy năng lực, nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả công việc. Ngược lại, nếu môi trường làm việc không tốt sẽ khiến cán bộ làm việc trong tâm lý căng thẳng, bất an. Do đó, cần đầu tư xây dựng môi trường làm việc dân chủ, nhân văn, tương trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa các thế hệ cán bộ, giữa nam và nữ; hỗ trợ tích cực các cán bộ nữ đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ…

 Cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm phục vụ tốt cho thực hiện công việc. Tích cực ứng dụng mạnh mẽ công nghệ – thông tin trong  chỉ đạo điều hành, trong hoạt động công vụ… nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với các địa phương khác trong nước và các nước tiên tiến trên thế giới để cán bộ lãnh đạo, quản lý có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm… từ đó, nâng cao chất lượng công tác. 

4. Kết luận

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại thành phố Thủ Dầu Một thời gian qua đã đạt được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian tới đòi hỏi đảng bộ, chính quyền cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu – một trong những đột phá chiến lược quan trọng để thúc đẩy thành phố thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. 

Chú thích:
1, 3. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2, 4, 5. Tác giả tổng hợp từ số liệu do Ban Tổ chức Thành ủy Thủ Dầu Một cung cấp.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 86-BC/TU ngày 12/8/2023 của Thành ủy Thủ Dầu Một về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
2. Kế hoạch số 106-KH/TU ngày 15/8/2023 của Thành ủy Thủ Dầu Một về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2021 – 2026; nhiệm kỳ 2025 – 2030, 2026 – 2031 (A2) và quy hoạch cán bộ hàng năm.
3. Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 24/4/2023 của Thành ủy Thủ Dầu Một về luân chuyển cán bộ, giai đoạn 2023 – 2025
4. Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.