Đảng bộ Học viện Chính trị nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện trách nhiệm nêu gương của các đảng ủy cơ sở

Thiếu tá Hoàng Đình Chính
Trung tá Tạ Văn Thắng

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã sử dụng nhiều phương thức lãnh đạo khác nhau, trong đó, nêu gương là một phương thức quan trọng, hiệu quả, vừa có giá trị khoa học và nhân văn, vừa tác động tích cực đến đội ngũ lãnh đạo của Đảng. Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện trách nhiệm nêu gương của các đảng ủy cơ sở ở Đảng bộ Học viện Chính trị hiện nay.

Từ khóa: Đảng bộ Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; chất lượng lãnh đạo; trách nhiệm nêu gương; Đảng ủy cơ sở.

Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ và vận hội, bên cạnh đó cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, mặt trái của kinh tế thị trường và những tiêu cực, tệ nạn xã hội để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện âm mưu, “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm cho một số cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng. 

Trước những yêu cầu mới về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, trong những năm tới, Quân đội quyết liệt điều chỉnh tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian. Từ đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn về phẩm chất chính trị trong thực hiện chức trách, các nhiệm vụ mới, đột xuất, phức tạp, khó lường; đòi hỏi cán bộ, đảng viên và quần chúng phảitiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần bồi đắp, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng quân đội vững mạnh mọi mặt, nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. 

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng (viết tắt: Học viện Chính trị) là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia. Đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ Học viện Chính trị là lực lượng nòng cốt, thành phần chủ yếu trong xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Các đảng ủy cơ sở ở Đảng bộ Học viện Chính trị là nơi trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Học viện. 

Cùng với sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Quân đội, nhiệm vụ của Học viện Chính trị tiếp tục có sự phát triển, tác động đến đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Học viện Chính trị. Với phương châm chất lượng giáo dục, đào tạo là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI xác định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ và đi vào chiều sâu các mặt công tác, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực; không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Học viện, luôn xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự hàng đầu của quân đội và quốc gia”.

Đảng ủy cơ sở ở Đảng bộ Học viện Chính trị đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật.

Bên cạnh những kết quả tích cực, còn một số tồn tại, hạn chế, như: việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung nêu gương ở một số đảng ủy chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; chưa thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện trách nhiệm nêu gương với nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ và xây dựng cơ quan, khoa, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; còn có cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa tích cực nghiên cứu, học tập.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, đồng thời quán triệt, thực hiện yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo phát huy “phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và quan điểm đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tạo môi trường để đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng, các đảng ủy cơ sở ở Đảng bộ Học viện Chính trị cần thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể sau:

Một là, lãnh đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng. 

Các Đảng ủy cơ sở ở Đảng bộ Học viện Chính trị cần quán triệt, nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở các chỉ thị, quy định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương, các đảng ủy cơ sở ở Học viện Chính trị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, phát triển, cụ thể hóa và xác định các nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sát với chức trách, nhiệm vụ được giao để thống nhất trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng. 

Giáo dục, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về thực hiện trách nhiệm nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đưa nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ trì vào các nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy, coi đó là căn cứ để phân tích, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Thực hiện phương châm, cấp trên nêu gương trước cấp dưới; cán bộ chủ trì đơn vị nêu gương trước cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trước tập thể đơn vị, xây dựng niềm tin, sựkính trọng và tin tưởng học tập, làm theo của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục của tổ chức với đề cao trách nhiệm cá nhân trong tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo các giá trị, chuẩn mực văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương.

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được quy định cụ thể trong văn bản, nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng, như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 646-QĐ/QUTW ngày 06/11/2012 của Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhânxây dựng thành các tiêu chí và ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương trên tất cả các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phát huy dân chủ, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên tham gia thảo luận góp ý bổ sung, hoàn thiện quy định về chuẩn mực đạo đức, nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương. Đồng thời, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí, quy định, bảo đảm cho quá trình thực hiện nêu gương có hiệu lực, hiệu quả thiết thực. 

Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải thể hiện trong chống suy thoái của bản thân như chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm, thực hiện mục đích cá nhân, nói không đi đôi với làm, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, chống vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, chống tham nhũng, lãng phí,… Bên cạnh đó, phải nêu gương trong phòng, chống suy thoái của cán bộ, đảng viên, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoạt động hiệu quả và nêu gương về việc chịu trách nhiệm khi để tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý sai phạm.

Ba là, lãnh đạo đổi mới phương thức thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. 

Thực hiện trách nhiệm nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cần kết hợp nhiều phương thức: bằng bản cam kết, chương trình hành động với phương thức thống nhất giữa lời nói và việc làm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và cam kết bằng văn bản không suy thoái về tưtưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng. Thực hiện trách nhiệm nêu gương về chức trách, nhiệm vụ được giao phải kết hợp nhiều phương thức: bằng bản cam kết, chương trình hành động, bằng thống nhất giữa lời nói và việc làm, bằng việc kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả đó. 

Mỗi cán bộ, đảng viên phải cụ thể các phương thức, phải xác định rõ biện pháp thực hiện từng nội dung trách nhiệm nêu gương bằng các hình thức khác nhau và tự đề xuất hình thức kỷ luật nếu thực hiện không tốt hoặc để xảy ra vi phạm. Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương bằng hành động, nói đi đôi với làm, nêu gương bằng kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Bốn là, lãnh đạo xây dựng môi trường văn hóa trong công tác Đảng.

Các đảng ủy cơ sở cần lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, tiếp tục giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức phát động các phong trào thi đua, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng hoạt động của mỗi đơn vị bằng hành động, lời nói, việc làm cụ thể từng quý, từng tháng, từng tuần của cán bộ, đảng viên.

Các đảng ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên xác định rõ trách nhiệm tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự nêu gương, xác định rõ nội dung, mục đích, phương pháp tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là suốt đời phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích chung của cách mạng; trách nhiệm gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, tự giác, chủ động tu dưỡng, rèn luyện, tự giác nêu gương.

Năm là, lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Các đảng ủy cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung, kiểm tra, giám sát toàn diện và cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ,… Kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị. Lấy kết quả thực hiện quy định nêu gương là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là cách làm thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững và lan tỏa các giá trị tốt đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuy nhiên, thực tiễn luôn vận động và phát triển đòi hỏi các đảng ủy cơ sở ở Học viện Chính trị không ngừng nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay góp phần giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong Quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nhân lên nhiều việc làm tốt, tấm gương tốt. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng ủy Học viện Chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hà Nội, 2020.
2. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
3. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.