Quản lý, sử dụng xe công tại Quốc hội

ThS. Lương Thị Thu Hà
Văn phòng Quốc hội
(Quanlynhanuoc.vn) – Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, công tác quản lý tài sản công tại Quốc hội đã đạt được những kết quả nhất định, đồng thời, cũng đặt ra các vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, quản lý, sử dụng xe công cần được đánh giá, xem xét, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm yêu cầu quản lý, khai thác, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực tài sản công tại Quốc hội.

Từ khóa: Quản lý; sử dụng xe công; ô tô; tài sản công; Quốc hội.

1. Quy định về quản lý, sử dụng xe ô tô công tại Quốc hội

Xe công tại Quốc hội được mua bằng tiền ngân sách nhà nước, là phương tiện đi lại được Nhà nước giao cho Quốc hội, các cơ quan, tổ chức của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trực tiếp quản lý, sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Quản lý, sử dụng xe công tại Quốc hội đòi hỏi tuân thủ các quy định pháp luật, các nguyên tắc chung và các tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm hiệu quả sử dụng. 

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, việc sắp xếp xe ô tô công tại Quốc hội được bố trí như sau:

Xe ô tô phục vụ các chức danh, gồm 4 nhóm:

Nhóm 1: đối với chức danh Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá.

Nhóm 2: đối với chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác.

Nhóm 3: đối với chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/xe trong thời gian công tác.

Nhóm 4: đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe. 

Xe ô tô phục vụ công tác chung.

Đối với các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác. Nếu các chức danh này được bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung hoặc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác.  

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của cục, vụ và tổ chức tương đương có chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương: đối với các đơn vị có số biên chế dưới 50 người/01 đơn vị: tối đa 01 xe/02 đơn vị; đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị: tối đa 01 xe/01 đơn vị. Trường hợp hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung thì định mức sử dụng tối đa 6 xe. Trường hợp hợp nhất Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung thì định mức sử dụng tối đa 4 xe.

Đơn vị thuộc, trực thuộc cục, tổ chức tương đương cục thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương không được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung; trường hợp có chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác.

Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

Trường hợp các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội căn cứ tình hình thực tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí để xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ô tô trang bị, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác với việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Trường hợp tất cả các chức danh này áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho toàn bộ công đoạn thì không trang bị xe ô tô phục vụ chức danh; trường hợp đã trang bị xe ô tô thì phải sắp xếp lại, xử lý số xe ô tô hiện có theo quy định.

Công đoạn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô: đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại; đi công tác. Hình thức và mức khoán kinh phí như sau:  

– Khoán theo km thực tế: đối với công đoạn đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại): mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được xác định trên cơ sở số km từ nơi ở đến cơ quan (2 lần/ngày), số ngày làm việc thực tế trong tháng và đơn giá khoán. Đối với công đoạn đi công tác: mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được xác định trên cơ sở số km thực tế của từng lần đi công tác và đơn giá khoán.

– Hình thức khoán gọn: đối với công đoạn đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại: căn cứ khoảng cách bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, số ngày đưa đón bình quân hằng tháng của các chức danh có tiêu chuẩn, đơn giá khoán để xác định mức khoán gọn áp dụng cho tất cả các chức danh. Đối với công đoạn đi công tác: căn cứ số km bình quân đi công tác hằng tháng theo yêu cầu công việc của các chức danh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và đơn giá khoán.

Hiện nay, ở Quốc hội áp dụng theo chế độ khoán sau: các chức danh có tiêu chuẩn xe đưa, đón từ nơi ở đến nơi làm việc, nếu không yêu cầu phục vụ xe hoặc trường hợp cơ quan chưa kịp bố trí xe phục vụ thì được hỗ trợ tiền thuê phương tiện đi lại hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc (trụ sở cơ quan, nơi hội nghị, hội họp trong phạm vi nội thành, nội thị) với mức khoán là 10.000.000 đồng/tháng.

2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng xe công tại Quốc hội

Nguyên tắc chung. Việc quản lý, sử dụng xe công tại Quốc hội trước hết phải bảo đảm các nguyên tắc quản lý, sử dụng chung về tài sản công, như: 

– Có cơ chế, chính sách, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công thống nhất; xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng tài sản; các đơn vị có trách nhiệm sử dụng tài sản theo đúng mục đích được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình quản lý sử dụng, nếu phát sinh sai phạm thì cần quy trách nhiệm rõ tới từng đơn vị.

– Thực hiện hạch toán tài sản công đầy đủ cả về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan trực tiếp sử dụng cần nắm rõ giá trị, số lượng và tình trạng tài sản, từ đó, đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, chế độ. Các trường hợp khác, xác định giá trị tài sản trong quan hệ mua bán, cho thuê, thanh lý tài sản… theo giá cả thị trường.

– Tuân thủ đúng quy định, quy trình kỹ thuật đối với quản lý, sử dụng tài sản công; theo đó, cần bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ một cách hợp lý, khoa học, tránh trường hợp khai thác quá mức dẫn đến hỏng hóc, lãng phí.

– Công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản công, tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức và toàn thể Nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công; xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc đặc thù. Với đặc thù là tài sản có giá trị lớn, được sử dụng thường xuyên, có tính lưu động và là nguồn nguy hiểm khi tham gia giao thông, việc quản lý, sử dụng xe ô tô công đòi hỏi phải đáp ứng các nguyên tắc sau đây: 

– Xe ô tô công cần được phân bổ cho đúng đối tượng, các bộ phận hoặc vị trí cụ thể, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức và căn cứ vào nhu cầu công việc. Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đã trang bị cho người tiền nhiệm, không trang bị xe mới. 

– Phương thức quản lý xe ô tô được thực hiện theo một trong các phương thức sau: (1) Phương thức quản lý tập trung: giao cho một cơ quan hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp công ích thực hiện quản lý và bố trí xe ô tô cho các đối tượng được sử dụng xe phục vụ công tác chung theo nguyên tắc không thành lập mới, không làm tăng biên chế của cơ quan, địa phương; (2) Phương thức quản lý tập trung theo từng hệ thống: giao Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh quản lý xe ô tô tập trung của từng hệ thống để bố trí xe cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô khi đi công tác; (3) Phương thức quản lý trực tiếp: giao cho từng đơn vị có tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô để phục vụ công tác chung của đơn vị; (4)Kết hợp các phương thức quản lý tập trung và phương thức quản lý trực tiếp.

– Cần có quy định rõ về việc quản lý, sử dụng xe công, bao gồm: thời gian, mục đích sử dụng, định mức tiêu hao nhiên liệu đối với xe phục vụ công tác, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, quy trình điều xe, trách nhiệm của đoàn xe và lái xe, tiêu chuẩn, yêu cầu đối với lái xe… 

– Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô công vào việc riêng; bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

3. Thực trạng quản lý, sử dụng xe công tại Quốc hội

Quốc hội gồm 500 đại biểu Quốc hội, bao gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm; trong đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày càng tăng. Theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có ít nhất là 25% tổng số đại biểu Quốc hội, tương đương khoảng 125 người. Theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội, tương đương khoảng 200 người. Trong số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, có khoảng 10% đại biểu giữ chức danh ủy viên chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội với hệ số phụ cấp chức vụ là 1,20; còn lại là các đại biểu giữ các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Như vậy, có khoảng 20 đại biểu được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác và 180 đại biểu có chế độ xe đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác.

Bên cạnh đó, công chức Văn phòng Quốc hội giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,25 đến 1,3 cũng được bố trí xe phục vụ chức danh; nhóm có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 cũng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác. Đồng thời, tại Quốc hội, cũng có một số loại xe chuyên dùng để sử dụng đi công tác vùng miền núi hay Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng sử dụng một số xe ô tô gắn thiết bị chuyên dùng (xe gắn thiết bị thu, phát vệ tinh; xe phát thanh truyền hình lưu động;…). 

Như vậy, tại Quốc hội sẽ có các loại xe công gồm: xe ô tô phục vụ chức danh; xe ô tô phục vụ chung và xe ô tô chuyên dùng để phục vụ công tác. Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về so sánh số lượng xe công tại Quốc hội (Bảng 1):

Bảng 1: Bảng so sánh số lượng xe công tại Quốc hội với cả nước

Số lượng: chiếc

Năm2015201620202021
Xe phục vụ chức danh
Cả nước414435435456
Quốc hội96102147141
Xe phục vụ chung
Cả nước14.16313.27511.2169.429
Quốc hội1551407577
Xe chuyên dùng
Cả nước12.38914.48316.13215.955
Quốc hội77695858

Quá trình quản lý và sử dụng xe công tại Quốc hội cho thấy, việc quản lý tài sản công đã chuyển đổi phương thức từ quản lý hành chính sang quản lý mang tính tổng thể hơn (cả vòng đời tài sản), từ đó, giám sát chặt chẽ hiệu quả tài sản. Theo đó, xe công là loại tài sản công cần tiến hành triển khai thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung, sau đó, được quản lý, sử dụng khai thác; kết thúc là xử lý bán đấu giá tài sản nếu xe ô tô công hết hạn sử dụng theo chế độ mà phải thanh lý, hoặc xe công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự toán chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá tài sản).  

Bên cạnh đó, tại Quốc hội, cũng khuyến khích áp dụng chế độ khoán xe công, cụ thể là tại khoản 7 Điều 11 Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 ngày 19/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội quy định: “các chức danh có tiêu chuẩn xe đưa, đón từ nơi ở đến nơi làm việc, nếu không yêu cầu phục vụ xe hoặc trường hợp cơ quan chưa kịp bố trí xe phục vụ thì được hỗ trợ tiền thuê phương tiện đi lại hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc (trụ sở cơ quan, nơi hội nghị, hội họp trong phạm vi nội thành, nội thị) với mức khoán là 10.000.000 đồng/tháng”.

Việc ban hành các quy định về việc quản lý, sử dụng xe ô tô công nêu trên đã giúp hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ, gắn với quy định về trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công, tạo cơ sở cho việc quản lý tài sản công tại Quốc hội công khai, minh bạch… Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công. Từ năm 2018 đến nay, số lượng xe công phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng tại Quốc hội đã theo xu thế giảm chung của cả nước (thể hiện tại Bảng 1); chấp hành nghiêm túc yêu cầu tổ chức rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có theo tiêu chuẩn, định mức, thực hiện xử lý số xe ô tô dôi dư (nếu có) theo quy định. Một số đại biểu Quốc hội đã thực hiện chế độ nhận khoán xe công, không yêu cầu bố trí xe riêng để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. 

Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng xe ô tô tại Quốc hội vẫn còn một số hạn chế, như:

Số lượng xe ô tô phục vụ chức danh vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn và có xu hướng tăng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ yêu cầu cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Về việc quản lý, sử dụng xe công: có tình trạng quản lý và sử dụng nhiều xe hơn so với quy định; việc thỏa thuận với Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng để ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP còn chậm; một số nơi trang bị xe ô tô chưa đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo quy định. Theo Điều 4 Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009, hiện nay, xe chở người sử dụng có niên hạn sử dụng trong 20 năm, tuy nhiên do xe công được sử dụng nhiều nên xuống cấp nhanh, dẫn tới chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa tốn kém hơn so với việc mua xe mới. Công tác lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch, dự toán một số gói thầu và lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, bảo trì bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên tại Văn phòng Quốc hội có lúc chưa bảo đảm; báo cáo của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý (Cục Quản trị, Vụ Kế hoạch – Tài chính) về số lượng xe ô tô có sự chênh lệch dẫn đến giá trị của tài sản trong báo cáo gửi Bộ Tài chính thấp hơn giá trị ghi sổ kế toán.

Về việc khoán xe công: chủ trương khoán xe công ra đời đã nhận được sự đồng tình của dư luận và của một bộ phận các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, qua theo dõi, số lượng đại biểu Quốc hội nhận khoán xe công vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, như năm 2021 chỉ khoảng 9 người nhận khoán trên tổng số 150 người có tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ chức danh, tức là mới đạt tỷ lệ 6%; số lượng nhận khoán thời điểm cao nhất của chỉ đạt khoảng 12 – 13 người. Bên cạnh đó, có đã có đại biểu Quốc hội xin dừng việc nhận khoán xe và đề nghị được bố trí sử dụng xe công sau một thời gian thực hiện nhận khoán xe ô tô công. Nguyên nhân là do khi sử dụng xe cá nhân vào cơ quan hành chính nhà nước làm việc không thuận tiện như xe công biển xanh, phải mất thời gian giải thích với nhiều quy trình thủ tục hành chính, nhất là ra vào tại các cơ quan hành chính nhà nước đòi hỏi nghiêm ngặt về an ninh; phương thức khoán chỉ từ nhà đến cơ quan và ngược lại, nên khi đại biểu Quốc hội đi công tác vẫn phải dùng xe công để đi lại thì vẫn phát sinh chi phí; các mức khoán, đơn giá khoán hiện hành cũng chưa thực sự phù hợp (thực tế, việc khoán mới chỉ giải quyết một phần đi lại của đại biểu Quốc hội, người có chức danh được sử dụng xe ô tô; hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, thuận tiện…).

4. Một số giải pháp đổi mới công tác quản lý, sử dụng xe công tại Quốc hội

Một là, ngày 26/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, trong đó, có nhiều điều chỉnh so với thực tế bố trí, sắp xếp xe tại Quốc hội, cụ thể như, tách riêng nhóm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước có hệ số phụ cấp chức vụ 1,3 được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1.400 triệu đồng/xe; nhóm Tổng Cục trưởng, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1.250 triệu đồng/xe. Chức danh đại biểu Quốc hội là ủy viên chuyên trách không được nêu cụ thể trong Nghị định số 72/2023/NĐ-CP, nhưng có hệ số phụ cấp chức vụ tương đương với hệ số phụ cấp chức vụ của các chức danh được nêu trong Nghị định số 72/2023/NĐ-CP là Phó Tổng cục trưởng thì được sử dụng xe phục vụ công tác chung. 

Vì vậy, cần rà soát Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và Nghị định số 72/2023/NĐ-CP để điều chỉnh việc bố trí xe ô tô công cho các chức danh, chức vụ lãnh đạo tại Quốc hội, bảo đảm đồng bộ với bảng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương, phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức, giá trị xe theo quy định. Sửa đổi, bổ sung quyết định về định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung và tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng sau khi thỏa thuận, thống nhất lại với Bộ Tài chính. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có; xử lý xe ô tô dôi dư theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản quy định chi tiết có liên quan trước thời điểm 10/11/2024 (là thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định số 72 có hiệu lực thi hành); sau đó, cần cập nhật đầy đủ, chính xác số liệu xe ô tô sau khi rà soát, xử lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo thời hạn quy định.

Hai là, xem xét, đánh giá lại sự cần thiết phải duy trì số lượng xe công lớn với nhiều xe phục vụ chức danh như hiện nay. Thay vào đó, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế tại Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản có xu hướng giảm dần việc trang bị xe công, hạn chế tiêu chuẩn, định mức, dần chuyển sang cơ chế thuê, thuê mua phương tiện. Tại tỉnh Osaka, không thực hiện việc trang bị xe công, mà thực hiện cơ chế thuê phương tiện phục vụ cho hoạt động của các cơ quan của tỉnh; việc đấu thầu thuê xe được thực hiện tập trung thông qua Cục Mua sắm. Việt Nam cần thực hiện theo hướng tách riêng Đoàn xe thành một đơn vị sự nghiệp, chuyên cung cấp dịch vụ xe ô tô công để bố trí phục vụ các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng xe công. 

Ba là, đánh giá nguyên nhân của thực trạng việc áp dụng khoán xe công chưa phổ biến, xem xét lại mức khoán và đơn giá khoán hiện hành, từ đó, có các giải pháp điều chỉnh phù hợp, tạo đột phá nhằm tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước liên quan đến xe công (như: mua xe ô tô mới, xăng xe, bảo hiểm, đăng kiểm, bảo dưỡng, sửa chữa và nhiều chi phí liên quan). Cơ chế khoán nên áp dụng với người hưởng chế độ đưa đón có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 (tương đương thứ trưởng) trở xuống. Khi tiến hành cải cách tiền lương, nên nghiên cứu tính toán cơ cấu khoán xe công trong lương phần chi phí cho người được tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của Nhà nước và chuyển chi phí khoán xe công thành một loại phụ cấp đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, trừ những trường hợp cán bộ cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tới công tác lễ tân nhà nước, công tác ngoại giao. 

Bốn là, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại; thực hiện đúng quy định của các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công, đấu giá, thanh lý tài sản công; thực hiện lập, giao dự toán, phê duyệt, thẩm định kế hoạch mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020.
2. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
3. Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, việc bố trí, sắp xếp xe ô tô.
4. Nguyễn Thị Bất, Nguyễn Văn Xa. Giáo trình quản lý tài sản công. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2017.
5. Nguyễn Thị Thanh. Bảo đảm điều kiện hoạt động cho đại biểu Quốc hội”. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11 (363), tháng 6/2018.
6. Viện nghiên cứu lập pháp. Chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội – thực trạng và giải pháp. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2018.
7. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
8.  Khoán xe công – dễ mà khó, https://www.qdnd.vn, ngày 09/7/2020.
9. Bất cập trong khoán xe công. https://hanoimoi.vn, ngày 23/9/2016.
10. Khoán xe công: Kết quả không như mong đợi. http://daidoanket.vn, ngày 15/8/2018.
11. Quản lý xe ô tô công còn nhiều bất cập, tưởng tiết kiệm hóa ra lãng phí. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 01/11/2022.