Công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập ở TP. Hồ Chí Minh

ThS. Nguyễn Thị Bưởi
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh là một trong hai địa phương có số lượng các trường đại học công lập và giảng viên nhiều nhất nước. Mặt khác, các trường đại học công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Điều này tạo nên sự đa dạng về công tác quản lý nhà nước đối với các trường đại học công lập nói chung và đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập nói riêng. Bài viết đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập ở TP. Hồ Chí Minh, từ đó có những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Từ khóa: Đại học công lập; quản lý nhà nước; giảng viên; TP. Hồ Chí Minh.

1. Tổng quan các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh

1.1. Số lượng các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh

Theo số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2021 – 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP. Hồ Chí Minh có 45 trường đại học, trong đó có 31 trường đại học công lập và 14 trường đại học ngoài công lập1. Từ năm 2023, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chuyển thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 04/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sẽ có cơ cấu, tổ chức và hoạt động như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng nghiên cứu của bài viết này là 24 trường đại học công lập, gồm 22 trường đại học, 2 học viện và 1 nhạc viện. Bài viết không nghiên cứu các trường thuộc Đại học Quốc gia; Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; các trường thuộc khối công an, quân đội; các cơ sở, phân hiệu đại học ở TP. Hồ Chí Minh vì các trường này có cơ chế hoạt động riêng. Các trường đại học thuộc phạm vi nghiên cứu gồm: 

Bảng 1. Danh sách các trường đại học công lập ở TP. Hồ Chí Minh

STTCơ quan quản lý nhà nướcTrườngSố lượng
1Bộ Giáo dục và Đào tạo1. Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh2. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh3. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh4. Trường Đại học Sư phạm – Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh4
2Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh1. Trường Đại học Sài Gòn2. Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch3. Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh3
3Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch1.Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh 2. Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh3. Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh4. Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh5. Trường Đại học Thể dục – Thể thao TP. Hồ Chí Minh6. Trường Đại học Sư phạm Thể dục – Thể thao TP. Hồ Chí Minh6
4Bộ Công Thương1. Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh2. Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh2
5Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn1. Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh1
6Bộ Giao thông vận tải1. Học viện Hàng không Việt Nam2. Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh2
7Ngân hàng Nhà nước 
Việt Nam
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh1
8Bộ Tài nguyên và Môi trườngTrường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh1
9Bộ Tài chínhTrường Đại học Tài chính – Marketing1
10Bộ Xây dựngTrường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh1
11Bộ Y tếTrường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh1
12Tổng Liên đoàn Lao động Trường Đại học Tôn Đức Thắng1
  Tổng cộng24

1.2. Chất lượng các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh

Tính đến ngày 31/01/2023, đã có 22/24 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá, tự kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh và Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh chưa hoàn thành hoặc chưa cập nhật); 17/24 cơ sở giáo dục được công nhận chất lượng đào tạo trong nước; 01/24 cơ sở giáo dục được công nhận chất lượng đào tạo ngoài nước (Trường Đại học Tôn Đức Thắng); 6/24 cơ sở giáo dục chưa được công nhận chất lượng đào tạo (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục – Thể thao TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thể dục – Thể thao TP. Hồ Chí Minh). 

Trong 3 năm (năm 2021, 2022, 2023), Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều có trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới.

1.3. Chất lượng đội ngũ giảng viên 

Theo thống kê, tính đến năm học 2021 – 2022, số lượng giảng viên cơ hữu là 19.126 người, gồm 12.073 người ở trường đại học công lập (chiếm 63,1%) và 7.053 người ở trường đại học ngoài công lập2. Để có số liệu về số lượng và trình độ đội ngũ giảng viên của 24 trường đại học công lập thuộc phạm vi nghiên cứu, bài báo dựa trên các nguồn, như: báo cáo công khai thông tin các trường, đề án tuyển sinh năm 2023, báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục, website của các cơ sở giáo dục – đại học. Kết quả thống kê như sau:

Bảng 2. Trình độ của đội ngũ giảng viên của 24 trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh

TTTRƯỜNGTổngGSPGSTSThSĐHNguồn
1Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh656152727336518https://ou.edu.vn
2 Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh49933717327511https://hcmue.edu.vn
3Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh277115651942https://www.hcmulaw.edu.vn
4Trường Đại học Sư phạm – Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh828055293420115https://hcmute.edu.vn
5Trường Đại học Sài Gòn6162451524152 https://tuyensinh.sgu.edu.vn
6Trường Đại học Khoa Phạm Ngọc Thạch57743219132462 https://pnt.edu.vn
7Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh1230225960 http://tuyensinh.hcmca.edu.vn
8Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh891322630https://www.hcmuc.edu.vn
9Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh380221915 https://skdahcm.edu.vn
10Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh67027573https://hcmufa.edu.vn/ 
11Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh8507175110 https://drive.google.com
12Trường Đại học Thể dục – thể thao TP. Hồ Chí Minh12311026842https://ush.edu.vn
13Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh59012316339334https://hufi.edu.vn
14Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh1.089154027973916https://iuh.edu.vn/ 
15Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh5514311163410https://edureview.vn
16Học viện Hàng không 224175512148https://vaa.edu.vn/
17Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh89349427249726https://www.utc.edu.vn/ 
18Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh4020181562460https://hub.edu.vn
19Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh253196717412https://tqai.hcmunre.edu.vn
20Trường Đại học Tài chính – Marketing4050810029510 https://ufm.edu.vn
21Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh287 013662017 https://drive.google.com
22Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh928149723549470 https://ump.edu.vn
23Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh761312600https://drive.google.com
24Trường Đại học Tôn Đức Thắng5266917724094https://www.tdtu.edu.vn
 Tổng cộng10.202745892.9446.164557 

Kết quả thống kê cho thấy, số lượng giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên là 3.607 người, chiếm 35,4%; vẫn còn 557 giảng viên, chiếm 5,5% chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Trình độ của đội ngũ giảng viên có sự không đồng đều giữa các trường đại học. Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là trường có số lượng giảng viên nhiều nhất và cũng là trường có số lượng giảng viên có trình độ cao nhiều nhất (giáo sư: 14, phó giáo sư: 97, tiến sỹ: 235). 

2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh

Về xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên. Các trường đại học công lập ở TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt việc xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên của đơn vị. Hầu hết các trường đều xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên theo tầm nhìn chiến lược. Điều này, không chỉ nhằm phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng đội ngũ giảng viên mà còn giúp cho nhà trường phát triển ổn định, tránh tình trạng có sự không cân đối về trình độ, lứa tuổi hoặc “hẫng” về giảng viên có trình độ cao nghỉ chế độ. Đặc biệt, công tác bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp ban giám hiệu được các trường thể hiện rõ trong hệ thống văn bản của trường. 

Về tuyển dụng và sử dụng giảng viên. Hầu hết các trường đều thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng giảng viên. Thông tin tuyển dụng được đăng công khai trên website của các trường. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên được thực hiện theo Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. 

Vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ luôn được các trường đại học quan tâm hàng đầu. Các trường đều khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tham gia các chương trình đào tạo tiến sỹ ở trong và ngoài nước. Hằng năm, các trường đều tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ giảng viên hoặc cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài trường. 

Thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên. TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, như: Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT ngày 25/10/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH  và điểm a khoản 2 mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Ngoài ra, 3 trường thuộc diện quản lý của Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh được hưởng phụ cấp thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh. 

Công tác đánh giá, phân loại giảng viên. Hiện nay, các trường đại học công lập đều vận dụng Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá, phân loại giảng viên là một việc làm định kỳ, thường xuyên. Đây là một việc hết sức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước (QLNN) không chỉ đối với trường đại học công lập mà còn đối với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. 

Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với đội ngũ giảng viên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành quan tâm, chú trọng.

3. Đánh giá chung

Thứ nhất, đa số trường đại học công lập ở TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời triển khai và chấp hành nghiêm các văn bản có liên quan. Mặt khác, các cấp có thẩm quyền ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác QLNN đối với đội ngũ giảng viên phù hợp với thực tiễn địa phương nên việc triển khai tương đối kịp thời, đồng bộ. 

Thứ hai, việc QLNN đối với đội ngũ giảng viên công khai, minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên như phụ cấp, thâm niên, chế độ đi đào tạo, bồi dưỡng… UBND TP. Hồ Chí Minh cũng có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. 

Thứ ba, TP. Hồ Chí Minh đã có Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học. Đây là mô hình đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học có chức năng giúp UBNDTP. Hồ Chí Minh triển khai một số nhiệm vụ về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn có những hạn chế sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn một số bất cập, chồng chéo hoặc thiếu sót nên gây khó khăn lúng túng trong việc triển khai. Ngoài ra, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố về quản lý phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập. Từ đó, dẫn đến sự bất cập khi thực thi các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, sự không thống nhất về QLNN giữa các cơ quan chủ quảnCấu trúc hệ thống riêng biệt này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả QLNN đối với các cơ sở giáo dục đại học. 

Thứ ba, một số cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, như chưa công khai thông tin đội ngũ giảng viên theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. 

Thứ tư, năng lực QLNN đối với một số trường đại học công chưa thực sự hiệu quả. Các chế độ, chính sách tôn vinh và đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên có trình độ cao chưa có sức thu hút; một số trường chưa chú trọng đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến giảng viên chưa thực sự hiệu quả.

Thứ năm, cơ sở vật chất của một số trường đại học công lập phục vụ cho QLNN đối với đội ngũ giảng viên còn thiếu đã ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy và chất lượng giảng dạy. 

4. Một số giải pháp quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh         

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả công tác QLNN đối với các nội dung quản lý viên chức theo Luật Viên chức. Trong đó, cần chú trọng các vấn đề: công tác quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên; công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giảng viên; công tác đánh giá đội ngũ giảng viên; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên… để bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách. Hiện nay, không chỉ ngành giáo dục mà nhiều ngành khác cũng gặp nhiều bất cập về thể chế. Các cơ sở trên cả nước nói chung và các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp khó khăn trong phát triển một phần là do những vướng mắc về thể chế. Đặc biệt, là vấn đề xóa bỏ bộ chủ quản để tạo điều kiện cho các trường đại học nâng cao năng lực và quyền lực thực sự của Hội đồng trường và hướng đến cơ chế tự chủ đại học. Bên cạnh đó, một việc cũng cần thiết không kém trong QLNN đối với đội ngũ giảng viên là phải ban hành Luật Nhà giáo. 

Thứ ba, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của QLNN đối với đội ngũ giảng viên trường đại học công lập. Tuyên truyền rộng rãi về tầm quan trọng của công tác QLNN đối với đội ngũ giảng viên ở các trường đại học công lập. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, như: tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc lồng ghép trong các buổi tọa đàm chào mừng các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm ngày thành lập trường, thành lập khoa…

Thứ tư, nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục đại học. Việc nâng cấp hệ thống thông tin quản lý nhằm kết nối không chỉ giữa các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc với các bộ, ngành chủ quản, UBND TP. Hồ Chí Minh mà còn kết nối giữa các trường đại học công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để chia sẻ dữ liệu và thực hiện giáo dục đại học số theo Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022: đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ “là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số”. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục đại học nhằm công khai, minh bạch các trường đại học công lập về các vấn đề cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, chính sách và đặc biệt là đội ngũ nhà giáo. 

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát các trường đại học công lập. Từ đó, để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính, chất lượng giáo dục, tuyển dụng và bổ nhiệm và hoạt động quản lý khác là rất cần thiết. Thông qua thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong giáo dục và đào tạo; truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Thứ sáu, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực để đẩy mạnh tự chủ đại học. Tự chủ đại học là xu thế tất yếu đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Bởi vì chỉ có tự chủ, các trường đại học mới có quyền quyết định về nhân sự, chương trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lý tài chính… Tự chủ còn giúp cho các trường đại học công lập tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Thứ bảy, tăng cường xã hội hóa giáo dục đại học. Xã hội hóa giáo dục giúp các trường đại học công lập tăng cường độc lập và tự chủ trên nhiều phương diện. Các trường đại học công lập mở rộng nguồn lực tài chính thông qua sự đóng góp từ cả xã hội và doanh nghiệp, giúp giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và cung cấp nguồn lực đa dạng để nâng cao chất lượng giáo dục. Bằng cách này, trường có thể thích ứng linh hoạt với nhu cầu của cộng đồng và không phụ thuộc quá mức vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước. 

Chú thích:
1, 2. Số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2021 – 2022. https://moet.gov.vn, ngày 30/9/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 13/02/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và đại học chia sẻ năm 2023, 2024. 
2. Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. 
3. Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP. Hồ Chí Minh quản lý.
4. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (khóa XV) quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
6. Niên giám thống kê TP. Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022.
7. Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Ban hành kèm theo Quyết định số 4564/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh). 
8. Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020.  
9. Quyết định 1878/QĐ-TTg ngày 15/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh.
10. Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/72020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học.
11. Thông tư 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.