Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội

Trung tá, CN. Nguyễn Tài Công
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội trong Quân chủng Phòng không – Không quân là tổng hòa các yếu tố số lượng, chất lượng, cơ cấu tạo thành sức mạnh của cả đội ngũ. Đây là nguồn kế cận, kế tiếp của đội ngũ sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp trung và cao cấp của Quân chủng là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị, góp phần quan trọng xây dựng Quân chủng Phòng không – Không quân tinh, gọn, mạnh.

Từ khóa: Sĩ quan chỉ huy; sĩ quan tham mưu; cấp phân đội; Quân chủng Phòng không – Không quân.

1. Đặt vấn đề

Phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội trong Quân chủng Phòng không – Không quân là sự chuyển hóa về chất theo chiều hướng đi lên của các yếu tố cấu thành, dưới sự tác động hợp quy luật của các chủ thể, làm cho nguồn lực này không ngừng hoàn thiện và gia tăng sức mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội là quan hệ tổng thể gồm nhiều lĩnh vực cả trong đào tạo, bồi dưỡng, mua sắm, chuyển giao vũ khí, công nghệ,…

Trong bối cảnh hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới và khu vực, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ quân sự, nhất là về lĩnh vực phòng không – không quân và thực tiễn tình hình tại Ukraina, Isarel, cũng như những biện pháp cấm vận hết sức ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây, đây là nội dung quan trọng để phát triển toàn diện nguồn lực này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

2. Thực trạng hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội

Những năm qua, quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội về xây dựng Quân chủng Phòng không – Không quân hiện đại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn coi hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực Phòng không – Không quân nói chung và nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội nói riêng. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân chủng đã bám sát định hướng chỉ đạo của cấp trên về hợp tác quốc tế, xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình. Do đó: “Việc triển khai công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng ở các cấp ngày càng đi vào nền nếp… phạm vi, lĩnh vực, hình thức hợp tác ngày càng mở rộng”1.

Trên quan điểm ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Quân chủng Phòng không – Không quân luôn chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với lực lượng Phòng không – Không quân các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống để đẩy nhanh quá trình tiếp cận trình độ khoa học – công nghệ quân sự của các nước tiên tiến, từ đó nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, khí tài của nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội. 

Đồng thời, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách về đối ngoại quốc phòng và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Quân chủng, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất kịp thời với Quân chủng, Bộ Quốc phòng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực Phòng không – Không quân nói chung và trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội nói riêng. Do đó, nguồn lực này không ngừng được nâng lên cả về số lượng, chất lượng, phù hợp với tổ chức biên chế và nghệ thuật quân sự Phòng không – Không quân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng Phòng không – Không quân trong tình hình mới. 

Tuy nhiên, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị nhận thức còn giản đơn, chưa sâu sắc và đầy đủ, như: “… nhận thức về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của một bộ phận cán bộ chưa theo kịp với tình hình. Việc quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ lệnh của Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng có lúc, có nơi chưa chủ động và tích cực”2; chưa quan tâm đúng mức đến hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội. 

Nội dung, hình thức hợp tác còn chưa mang tính đột phá, chưa đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả: “Trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các nước ASEAN vẫn còn ở mức thấp, chưa phát huy hết nhân tố tích cực, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và các nước trong khu vực”3

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng của Quân chủng hiệu quả chưa cao; do đó “năng lực đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng còn khoảng cách so với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, sự “chuyên nghiệp hóa” còn hạn chế”4, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp về hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định, chi phối chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Quân chủng trong phát triển nguồn lực này. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nhận thức sâu sắc: hợp tác quốc tế là một trong những bước đi tiên phong để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Phòng không – Không quân nói chung và nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội nói riêng. 

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chủ trương, nhiệm vụ đối ngoại được xác định trong các nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, tầm nhìn đến năm 2030… Không ngừng đổi mới sáng tạo, vận dụng nhuần nhuyễn bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”5, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược.

Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc mục tiêu, quan điểm, phương châm hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Kết hợp chặt chẽ giáo dục, học tập chính trị theo chương trình quy định với giáo dục, học tập thường xuyên, giáo dục theo yêu cầu nhiệm vụ, giáo dục truyền thống. Bám sát đặc điểm, nhiệm vụ, tính chất hoạt động của từng đơn vị, đối tượng để đa dạng hóa các hình thức giáo dục chính trị để vừa tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn bộ đội, vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ các cấp sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, chủ động nghiên cứu dự báo, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng không – không quân. 

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng Quân chủng tiến lên hiện đại, Quân chủng Phòng không – Không quân cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đề xuất đúng và kịp thời với Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề quan trọng về đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực Phòng không – Không quân. Theo đó, cần tập trung vào những nội dung hợp tác phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, như: hợp tác mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tiến vũ khí, trang bị Phòng không – Không quân; chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đồng bộ với vũ khí, trang bị của Quân chủng… tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực Phòng không – Không quân nói chung và nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không nói riêng, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm ngoại giao đa phương đến năm 2030, quan điểm, đường lối quân sự quốc phòng của Quân đội: “Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược”6.

Tăng cường mở rộng hợp tác với các nước có quan hệ truyền thống, như: Nga, Ấn Độ và các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel…; phát huy vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm của lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam trong hợp tác đa phương cũng như song phương; tham gia đầy đủ, hiệu quả vào các tổ chức, cấu trúc an ninh, diễn đàn, tích cực tham gia xây dựng các điều luật, nguyên tắc, quy chế hợp tác, chủ động đề xuất các sáng kiến, các nội dung hợp tác thiết thực. Nâng cao hơn nữa năng lực tham gia các hoạt động chung với lực lượng Phòng không – Không quân các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, đa dạng hóa các nội dung, hình thức hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội.

Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với lực lượng Phòng không – Không quân các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững; tạo môi trường thuận lợi để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; nâng cao uy tín, vị thế, sức mạnh của lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án mua sắm, chuyển giao công nghệ, sửa chữa, cải tiến các loại vũ khí trang bị của Quân chủng. Tăng cường các hoạt động, như: trao đổi đoàn các cấp, trao đổi chuyên môn, tham vấn Phòng không – Không quân, hội nghị, hội thảo, triển lãm quốc tế, khảo sát mua sắm vũ khí, trang bị, tập huấn tại các nước và tổ chức tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Quân chủng Phòng không – Không quân bảo đảm trọng thị, hữu nghị, chu đáo, an toàn.

Trong hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Phòng không – Không quân nói chung và nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội nói riêng, cần cân nhắc tính toán kỹ năng lực hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường các hình thức, như: giao lưu đội ngũ giảng viên, học viên; mời các chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm… 

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 618-NQ/ĐU ngày 28/10/2010 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Đào tạo cán bộ Quân đội ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; chú trọng đào tạo cơ bản, dài hạn, đào tạo chuyên sâu, đồng bộ với vũ khí trang bị của Quân chủng; ưu tiên đào tạo cán bộ quản lý khai thác làm chủ vũ khí trang bị thế hệ mới, tiên tiến, hiện đại.

 Thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, quy định về tuyển chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, kiến thức kinh nghiệm học tập; cải tiến quy trình tuyển chọn, trên cơ sở xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và từng đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyển chọn với bố trí, sử dụng và chính sách đãi ngộ. Đồng thời, trong hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội, cần kết hợp nhuần nhuyễn với yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ của bộ đội phòng không cũng như nghệ thuật quân sự Phòng không – Không quân, tránh tình trạng bắt chước một cách cứng nhắc, dập khuôn máy móc theo mô hình đào tạo, bồi dưỡng của nước ngoài. Đề cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng để chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm cơ quan chuyên trách đối ngoại quốc phòng của Quân chủng Phòng không – Không quân trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội.

Cơ quan chuyên trách về đối ngoại quốc phòng của Quân chủng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ hợp tác, đối ngoại quốc phòng của Quân chủng nói chung và phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội nói riêng. Do đó, để thực hiện tốt vai trò trên, cần thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế, đảm bảo về số lượng, chất lượng cơ quan chuyên trách đối ngoại quốc phòng của Quân chủng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ cán bộ cơ quan đối ngoại của Quân chủng có năng lực tư duy chính trị đúng đắn, tư duy đối ngoại sắc sảo, nhạy bén, linh hoạt; nhanh chóng nắm bắt được bản chất từng sự việc, từng lĩnh vực hoạt động, từng mối quan hệ, với từng đối tượng, đối tác cụ thể; phân biệt rõ đúng sai, phải trái, để có thái độ và phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Nâng cao sự hiểu biết về truyền thống ngoại giao của dân tộc; tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; pháp luật nhà nước nói chung và trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng nói riêng; nắm vững các nguyên tắc, quy định, quy chế của quân đội trong hoạt động đối ngoại; am hiểu về pháp luật, thông lệ quốc tế, nguyên tắc, quy định của chính phủ, quân đội, lực lượng vũ trang, truyền thống văn hóa, tôn giáo, dân tộc, thói quen, tập quán văn hóa của các nước có quan hệ hợp tác quốc phòng, nhất là những nước đang, sẽ triển khai các hoạt động đối hợp tác, đối ngoại quốc phòng. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa – xã hội của đất nước, quốc tế phục vụ nhiệm vụ hợp tác, đối ngoại quốc phòng, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

4. Kết luận

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội là một nội dung góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội nói chung và Quân chủng Phòng không – Không quân nói riêng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần bám sát tình hình thế giới, khu vực, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân chủng trong tình hình mới. 

Chú thích:
1. Bộ Quốc phòng. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2016 – 2021. Hà Nội, ngày 22/4/2022.
2, 4. Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 806. Hội nghị tổng kết công tác Hội nhập quốc tế và Đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2015 – 2018 và đánh giá 5 năm triển khai Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Hà Nội, ngày 28/8/2018.
3. Phan Văn Rân. Hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay: Vấn đề và giải pháp đột phá. H. NXB Lý luận Chính trị, 2018, tr.155.
5. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Hà Nội, ngày 19/12/2023.
6. Quốc phòng Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, tr. 28.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm ngoại giao đa phương đến năm 2030.
2. Nghị quyết số 618-NQ/ĐU ngày 28/10/2010 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về đào tạo cán bộ Quân đội ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
3. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
4. Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, tầm nhìn đến năm 2030.
5. Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
6. Nghị quyết số 1191-NQ/ĐU ngày 29/3/2019 của Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân chủng nhất là cấp chiến thuật, chiến dịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.