Thực hiện bình đẳng giới trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

PGS.TS. Nguyễn Sỹ Trung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ số đang tác động sâu sắc đến việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam trên nhiều phương diện, mang lại cả thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức khó lường. Vì vậy, cần phải có sự luận giải một cách khoa học nhằm thúc đẩy hiệu quả thực hiện bình đẳng giới ở nước ta hiện nay. 

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bình đẳng giới; việc làm của nữ công nhân; lao động; không được trả công.

1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động đến thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay

Ngày nay, cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của nhân loại. Năm 2012, thuật ngữ “Industry 4.0” – Công nghiệp 4.0 hay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức. Nhưng chưa đầy 5 năm sau, khái niệm “Công nghiệp 4.0” đã được mở rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được lựa chọn làm chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào tháng 01/2016 tại Davos, Thụy Sỹ. 

Theo định nghĩa của GS. Klaus Schwab – Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Cách mạng công nghiệp 4.0 là cụm thuật ngữ cho các công nghệ và tổ chức trong chuỗi giá trị, đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet của vạn vật và internet của các dịch vụ. Cuộc cách mạng này được thúc đẩy bởi những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất đến từ những lĩnh vực quan trọng, như: trí tuệ nhân tạo, robot thế hệ mới, sự phổ cập internet, sự xuất hiện các máy móc tự động, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu… 

Cách mạng 4.0 sẽ làm khuyếch đại thêm quá trình số hóa, tự động hóa tất yếu đến chiếm lĩnh và thay thế lao động chân tay. Sự thay thế con người bằng máy móc, đặc biệt là công nghệ thông tin và tự động hóa sẽ diễn ra khốc liệt hơn, dẫn đến những hệ lụy xã hội to lớn, trong đó phải kể đến sự bất bình đẳng trong lĩnh vực lao động, việc làm, nạn thất nghiệp sẽ ngày càng trầm trọng hơn nhất là những lao động trình độ thấp, hay đối tượng yếu thế như phụ nữ…

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong những năm vừa qua. Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước cả về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và công nghệ số diễn ra mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam trên nhiều phương diện, tạo ra những cơ hội to lớn và cả những khó khăn, thử thách khó lường. Tình hình đó đòi hỏi phải có sự nhìn nhận, đánh giá sâu sắc và có biện pháp phù hợp để góp phần vào thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta hiện nay.

2. Về những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam

Thứ nhất, tác động đến thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm và thu nhập.

Về việc làm: ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp. Phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số. Phần lớn lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm nghề có lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Trình độ học vấn càng thấp, làm những việc giản đơn, người lao động có nguy cơ bị máy móc thay thế càng cao. Lao động có trình độ từ tiểu học trở xuống có rủi ro cao lớn hơn 10 – 30% so với lao động có trình độ trung học phổ thông. Số việc làm phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng sẽ bị chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới. Những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giày khoảng 86% lao động trong các ngành này có thể bị mất việc do ứng dụng các tiến bộ công nghệ1.

Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, lao động nữ chiếm tới 68,9% tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Những ngành, nghề đang sử dụng nhiều lao động, có tỷ lệ lao động là nữ chiếm khoảng 80 – 90%, như: da giày, dệt may, chế biến thủy sản… có nguy cơ bị máy móc thay thế2. Điều đó đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm trong tương lai không xa.

Về thu nhập: thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,9 triệu đồng3. Tình trạng chênh lệch chắc chắn sẽ càng tăng thêm trong ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, lương trả cao cho người lao động tay nghề cao, thạo kỹ thuật số mà lao động nữ phần nhiều sẽ khó đáp ứng được nếu như họ không được hỗ trợ đào tạo gấp. 

Thứ hai, tác động đến thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, văn hóa – xã hội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số không chỉ có thách thức mà còn có cơ hội để phụ nữ phát triển bản thân, nâng cao ý thức bình đẳng giới và nâng cao vị thế xã hội của phụ nữ Việt Nam. Việc làm chủ công nghệ góp phần giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống. Chính việc đóng vai trò là cầu nối giữa con người và thông tin, công nghệ trở thành một công cụ quan trọng trong việc mở rộng cơ hội cho phụ nữ, nhất là giới trẻ. Những lợi thế của nữ giới, như: tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá sẽ là bàn đạp thúc đẩy họ phát triển.

Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trong việc thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức chủ yếu liên quan tới nhận thức về bình đẳng giới; xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình; khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội…

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội (khóa XV) là 151 người, chiếm tỷ lệ 30,26% cao hơn so với mức trung bình của các quốc gia châu Á và cao nhất Đông Nam Á4. Chính phủ có 14/30 lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm đạt 46,6%, trong đó có 4 nữ bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 11 nữ thứ trưởng và tương đương bộ trưởng5. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy. Trong tổng số lực lượng lao động năm 2023, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9%6.

Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trải qua những biến đổi mạnh mẽ từ vận hành theo cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể từ khi công cuộc đổi mới, đất nước đã có những tiến bộ vượt bậc về nhiều mặt, cả kinh tế lẫn xã hội. So sánh với chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và hết năm 2021 còn 2,23% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều)7.

Các chỉ báo quốc gia về tuổi thọ bình quân, tỷ lệ tử vong của các bà mẹ, về giáo dục cơ bản và về chăm sóc sức khỏe ban đầu đều khẳng định khoảng cách giới đã được thu hẹp một cách đáng kể. Thêm vào đó, ở Việt Nam hầu như không có phân biệt đối xử giới trẻ sơ sinh, thể hiện trong các chỉ báo về sức khỏe trẻ em. Những điều này khiến Việt Nam có được vị trí khá cao trong bảng xếp hạng về các khía cạnh liên quan đến giới, nếu so sánh với các nước láng giềng và với các nước có cùng mức GDP bình quân đầu người.

Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia)8, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động tiêu cực tới vị thế và cơ hội của nữ giới. Những người phụ nữ không có tiếng nói và quyền lực thường bị đối xử không công bằng hay bị gạt ra ngoài lề xã hội, Do đó, họ thường không có tiếng nói quyết định trong các công việc chung của cộng đồng cũng như công việc liên quan đến chính bản thân họ, không có tiếng nói và quyền lực còn thể hiện ở chỗ những người phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng trong chính gia đình họ và cuộc sống phụ thuộc nhiều vào người sung quanh họ không có nhiều quyền quyết định có trình độ học vấn thấp hơn và ít có cơ hội hơn. 

Khoảng cách về giới đặc biệt rõ nét khi xét về khía cạnh loại hình công việc, tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 12,3% so với nam giới (62,9% so với 75,2%)9. Bên cạnh đó cho thấy, phụ nữ phải đối mặt với những khoảng cách đáng kể về chất lượng việc làm trong khi phụ nữ phải làm những công việc gia đình vẫn cao hơn so với nam giới. Tại Việt Nam, vẫn tồn tại định kiến liên quan đến khả năng tham gia chính trị và năng lực lãnh đạo của phụ nữ như việc cho rằng phụ nữ thiếu kiên quyết, dứt điểm trong việc ra quyết định, hay quan niệm “nam trưởng, nữ phó” khiến phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.

Quan niệm về vai trò giới truyền thống cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ, bếp núc, chăm sóc con cái, gắn chặt họ với thiên chức của người mẹ, người vợ, người con, khiến vị trí lãnh đạo trên chính trường của họ thường đứng sau nam giới thông thường, họ phải nỗ lực làm việc hơn nam giới mới được thừa nhận. Sự khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp, hạn chế cơ hội quy hoạch, bổ nhiệm của phụ nữ.

3. Một số giải pháp thực hiện bình đẳng giới dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

Hiện nay, tình trạng “trọng nam, khinh nữ” không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới mà còn hạn chế sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, để xóa bỏ định kiến phân biệt giới, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cần thực hiện các biện pháp cụ thể, như: tận dụng công nghệ, kỹ thuật trong tuyên truyền về bình đẳng giới; xoá bỏ dần những hủ tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời có mang định kiến về giới; tổ chức tọa đàm, sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong các cơ quan, đơn vị, trong các khu dân cư. Nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới, nhất là thay đổi tư duy của người sử dụng lao động nhằm xóa bỏ những định kiến và rào cản đối với cả nam và nữ.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới. 

Cần hoàn thiện các quy định hiện hành còn chưa phù hợp, như khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên”. Nhưng khoản 4 Điều 2 về nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện chế độ hôn nhân gia đình quy định: “giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Quy định này không khác nào khẳng định trách nhiệm nuôi dạy con cái vẫn thuộc về người mẹ, kế hoạch hóa gia đình chủ yếu vẫn là trách nhiệm của người vợ. Do đó, cần điều chỉnh, hoàn thiện những quy định chưa phù hợp và cần xóa bỏ khuôn mẫu giới ngay tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, phân biệt giới và phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các phiên toà lưu động; tuyên truyền miệng tại tổ dân phố, các khu dân cư; lồng ghép vào các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt nhất đủ sức cảnh báo, răn đe để người dân biết và không vi phạm.

Ba là, tích cực thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc. 
Hoàn thiện cơ chế bảo đảm việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới tại nơi làm việc, tăng cường vai trò của công đoàn trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Các cơ quan nhà nước, công đoàn cần thực hiện tốt công tác giám sát các cơ sở lao động trong thực hiện các chế độ đối với phụ nữ, như thai sản, lương, điều kiện làm việc, đảm bảo nữ giới và nam giới được tạo cơ hội bình đẳng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề… Tạo điều kiện để không chỉ nữ giới mà nam giới cũng tham gia vào hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Bốn là, tập trung nhân rộng các mô hình tốt thực hiện bình đẳng giới.

Tiếp tục triển khai và phát huy các mô hình tuyên truyền về bình đẳng giới như “Câu lạc bộ bình đẳng giới”, tổ công tác “tư vấn, hỗ trợ bạo lực giới”, xây dựng “Nhà tạm lánh” hỗ trợ người bị bạo hành về giới… từ đó giúp dần loại bỏ định kiến giới, hành xử phân biệt giới, thúc đẩy bình đăng giởi ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam khẳng định, bình đẳng giới là yếu tố tiền đề để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Do đó, để thực hiện tốt bình đẳng giới trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp giải quyết tận gốc và căn bản các rào cản, thách thức đang hiện hữu, làm thay đổi vị thế, tạo ra cơ hội để nữ giới cống hiến cho sự phát triển của gia đình và xã hội. 

Chú thích:
1. Nhiều tác động với lao động nữ trong kỷ nguyên số. https://laodongthudo.vn, ngày 04/10/2018.
2. Lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và vai trò của công đoàn. https://laodongcongdoan.vn, ngày 11/9/2021.
3. Thu nhập bình quân của lao động nam cao gấp 1,37 lần so với nữ. https://dantri.com.vn, ngày 05/01/2024.
4. Nữ đại biểu quốc hội – những người phụ nữ ưu tú đại diện cho Nhân dân. https://quochoi.vn, ngày 21/10/2023.
5. Chính phủ hiện có 4 nữ bộ trưởng, trưởng ngành, 11 nữ thứ trưởng. https://dantri.com.vn, ngày 21/10/2022.
6, 9. Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023. https://www.gso.gov.vn, ngày 02/01/2024.
7. Góc nhìn: kinh nghiệm thẩm tra và giám sát công tác giảm nghèo bền vững tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. https://quochoi.vn, ngày 30/12/2023.
8. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc. https://quochoi.vn, ngày 03/4/2023.