Hải Dương thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Vũ Hoàng Ba
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bài viết nêu một số kinh nghiệm của tỉnh Hải Dương trong thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hiệu quả.

Từ khoá: Tỉnh Hải Dương, chính sách ưu đãi, người có công với Cách mạng.

1. Đặt vấn đề

Thấm nhuần đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác người có công với cách mạng. Người chỉ rõ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”1

Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Nhiều chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngày 19/7/2017, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

2. Hải Dương thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Hải Dương là tỉnh có điều kiện tự nhiên, địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội,nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, nằm giữa các cực tăng trưởng phía Bắc, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Hệ thống giao thông thuận tiện cho việc phát triển kinh tế nói chung; địa hình, đất đai thuận lợi cho phát triển cây trồng; nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn; có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với bề dày văn hóa, văn hiến lâu đời, nhiều di sản văn hóa… 

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, cơ bản toàn bộ các xã và các đơn vị cấp huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển ổn định và có nhiều đổi mới; mạng lưới, quy mô giáo dục ngày càng phù hợp, xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt kết quả cao; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ; văn hoá, thể thao phát triển khá toàn diện; công tác lao động, việc làm đạt được những kết quả tích cực; thực hiện tốt an sinh xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt…

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Đảng bộ tỉnh Hải Dương thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng. Phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng” được phát động đã động viên được mọi nguồn lực, trước hết là các nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ những người có công với cách mạng. Đây là phong trào có quy mô lớn trên diện rộng, có sức thu hút và lay động lòng người, đem lại những kết quả hết sức to lớn, thiết thực. 

Thụ hưởng kết quả của phong trào này, nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được giúp đỡ kịp thời, giải quyết được nhiều nhu cầu bức thiết về nhà ở, việc làm, học tập, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần hàng ngày khác. Tỉnh Hải Dương, hiện đang quản lý trên 300 nghìn hồ sơ người có công, trong đó có gần 39 nghìn liệt sĩ, 21 nghìn thương binh, 4 nghìn mẹ Việt Nam anh hùng; toàn tỉnh có trên 41 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, mục tiêu thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của Đảng, trên cơ sở tình hình thực tiễn địa phương, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV (9/2010) xác định mục tiêu, phương hướng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là: “Thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ giải quyết việc làm và các chính sách xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công”2

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, liên tục trong những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phong trào đã cuốn hút mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị tham gia, toàn tỉnh đã huy động được trên 27 tỷ đồng quỹ đền ơn đáp nghĩa. 

Phong trào chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, cha mẹ liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng, thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, thăm hỏi của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đơn vị làm công tác xã hội, tất cả các con liệt sĩ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đều được các đoàn thể chăm sóc, giúp đỡ, nhiều địa phương tổ chức gặp mặt con liệt sĩ, con thương binh học tập lao động sản xuất giỏi, gặp mặt gia đình liệt sĩ, thương binh tiêu biểu… đã động viên được các gia đình chính sách và phát huy truyền thống cách mạng trong Nhân dân.

Toàn tỉnh có trên 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc người có công phát triển sâu rộng, trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và nét đẹp văn hóa dân tộc, đạt hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực. Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần to lớn ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt và thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Các ban, ngành địa phương của tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” như: hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn tỉnh; chương trình đêm “Thắp nến tri ân” các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các đài tưởng niệm; thăm và tặng quà cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đang gặp khó khăn,… 

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7. Đặc biệt, thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chủ động báo cáo UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai trên địa bàn toàn tỉnh cho lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo UBND, cán bộ làm công tác lao động xã hội tại 265 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện chế độ, chính sách trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội, trọng tâm là việc tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường đưa tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, mở các chuyên mục hỏi đáp, tư vấn, giải thích pháp luật, tọa đàm về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đưa tin về công tác tập huấn, triển khai, thực hiện các quy định về chính sách ưu đãi người có công từ cấp tỉnh đến cơ sở… trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo Hải Dương, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hải Dương; Cổng thông tin điện tử tỉnh; trang thông tin điện tử của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội,… 

Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tại các hội nghị, họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt khu dân cư. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền phổ biến quy định về ưu đãi người có công với cách mạng cho tất cả các cán bộ, đảng viên và dân cư tại các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn. Tuyên truyền trên hệ thống loa, đài truyền thanh của các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tới các thôn, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh…

Hiện toàn tỉnh có 181 trường hợp được công nhận liệt sĩ, 673 người được xác nhận thương binh, 6.239 người được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến và có con bị nhiễm chất độc hoá học; 409 người được xác nhận là cán bộ hoạt động trước cách mạng và cán bộ tiền Khởi nghĩa, 2.728 mẹ được phong tặng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; 2.813 thanh niên xung phong được hưởng trợ cấp, nâng tổng số thanh niên xung phong được hưởng trợ cấp là 8.472 người; trong đó có 179 người được hưởng trợ cấp hàng tháng; 100% người có công được cấp và hưởng chế độ bảo hiểm y tế3

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Ngày 13/9/2013, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 2066/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 1 với tổng số hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ là 6.896 hộ (xây dựng mới là 3.168 hộ và sửa chữa là 3.728 hộ). Số hộ đã được phê duyệt trong Đề án được hỗ trợ là 5.654 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ là: 176.128 triệu đồng (trong đó xây mới: 2.627 hộ, kinh phí hỗ trợ là 115.588 triệu đồng; sửa chữa: 3.027 hộ, kinh phí hỗ trợ là 60.540 triệu đồng)4.

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Công văn số 1008/LĐTBXH-NCC ngày 30/3/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Công văn số 206/UBND-VP ngày 01/02/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và Công văn số 693/UBND-VP của UBND tỉnh Hải Dương về việc báo cáo thống kê tình hình triển khai việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng, căn cứ vào nhu cầu thực tế của người có công với cách mạng đề nghị được hỗ trợ về nhà ở theo rà soát của các huyện, thị xã, thành phố. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2 đối với 6.479 hộ (xây mới: 3.553 hộ, sửa chữa:2.920 hộ) với tổng số tiền đề nghị là 415.074 triệu đồng (trong đó nguồn trung ương là: 180.576 triệu đồng; nguồn địa phương là: 34.276 triệu đồng; nguồn huy động khác 200.122 triệu đồng)5.

Từng bước hoàn thiện, xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia, việc thực hiện Pháp lệnh người có công trong tỉnh đã thực sự trở thành một hoạt động xã hội sâu sắc, đạt được những kết quả hết sức quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần bù đắp sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, làm vơi đi những mất mát đau thương, góp phần giải quyết khó khăn cho các gia đình chính sách.

3. Một số kinh nghiệm tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở tỉnh Hải Dương

Một là, đánh giá đúng thực lực của địa phương, vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương, đề ra nhiệm vụ và mục tiêu giải quyết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thì cấp ủy, chính quyền phải đánh giá đúng thực trạng, nắm chắc, chính xác thực lực, tiềm năng của địa phương, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương của trung ương để có chủ trương, biện pháp và kế hoạch khai thác, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt hiệu quả cao nhất. Đây là nội dung cơ bản, yếu tố quyết định chủ yếu đến hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của các cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Ở tỉnh Hải Dương các cấp ủy, chính quyền địa phương đã thường xuyên coi trọng việc đánh giá đúng thực trạng của địa phương; quán triệt, nắm vững các quan điểm, nguyên tắc, chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định được chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng sát đúng, phù hợp, phát huy được hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, với việc xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo chung trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy Hải Dương còn hết sức chú trọng công tác điều tra, khảo sát nắm bắt thực tiễn từng địa bàn và từng đối tượng. 

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ của ngành. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 và các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách đối với người có công. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm mở rộng nhận thức, nâng cao hiểu biết về chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, tạo sự đồng thuận, làm chuyển biển sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. 

Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan ban, ngành của tỉnh, các địa phương trong tỉnh thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách đối với người có công. Tăng cường công tác quản lý, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thực hiện chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân, những nơi làm còn chậm, thiếu trách nhiệm gây bức xúc, thiếu niềm tin trong Nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kỳ mới là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt hiệu quả tốt, đòi hỏi phải phát huy được nhiều lực lượng, nhiều cấp, nhiều ngành với nhiều phương pháp và cách thức khác nhau. 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, của Đảng, chính sách của Nhà nước và địa phương về ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đó là cơ sở để thống nhất tư tưởng và hành động, nêu cao vai trò trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của từng tổ chức và cá nhân trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, để các tầng lớp nhân dân, người có công, thân nhân người có công hiểu rõ, thực hiện.

Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, nắm vững nội dung, yêu cầu các chỉ thị, hướng dẫn về công tác chính sách, nhất là Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đã đổi với người có công với cách mạng. Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông thực sự có hiệu quả, hướng tới mục tiêu nhận thức về chính sách đối với người có công. Phổ biến, nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm,phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. 

Ba là, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng phù hợp hiệu quả.

Thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng là một vấn đề quan trọng, thiết thực. Vì vậy cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh về chính sách đối với người có công, như: đề án về nhà ở cho người có công với cách mạng, đề án quy tập hài cốt liệt sĩ, đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ… Bảo đảm cho người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời, chính xác các chế độ, chính sách của Nhà nước; rà soát thực trạng nhà ở của người có công để có những biện pháp nhằm cải thiện đời sống người có công với cách mạng.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra không để xảy ra những trường hợp làm sai, thụ hưởng chính sách không đúng đối tượng. Đồng thời, tích cực giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến chính sách người có công với cách mạng. Quan tâm công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của các đối tượng chính sách; giúp đỡ và lồng ghép các chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo; hỗ trợ bệnh hiểm nghèo, tâm thần… chính sách đối với người tham gia kháng chiến. Chăm lo thiết thực, hiệu quả các gia đình chính sách, nhất là đối với những người, gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Bốn là, phát huy đồng bộ, toàn diện các nguồn lực trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để góp phần cải thiện đời sống cho người có công và các gia đình chính sách, như: xây dựng nhà ở, hỗ trợ cho các gia đình người có công đặc biệt khó khăn, người già neo đơn. 

Tăng cường việc bố trí nguồn lực ngân sách địa phương ở các cấp, đáp ứng nhu cầu mục tiêu của chính sách đối với người có công, đồng thời phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý sử dụng lồng ghép các nguồn lực thực hiện. Hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện, xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được minh bạch, hiệu quả.

4. Kết luận

Việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. HNXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 372.
2. Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV. Công ty CP in Báo và thương mại Hải Dương, 2010, tr. 69.
3, 4, 5. Báo cáo số 86/BC-BQL của Ban Quản lý “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Hải Dương tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
2. Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
3. Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI. Công ty CP in Báo và thương mại Hải Dương, 2016.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc giaSự thật, 2021.
6. Kế hoạch số 3536/UBND-KH của UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.