Những đóng góp trong lĩnh vực y tế, giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

ThS. Vũ Sĩ Đoàn
Trường Đại học Lao động – Xã hội 

(Quanlynhanuoc.vn)  – Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Các hoạt động xã hội đã góp phần vào việc phát triển về trí tuệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Trên cơ sở làm rõ vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội, bài viết phân tích những đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục và y tế của Giáo hội Phật giáo, qua đó để thấy được tư tưởng giáo lý tích cực của Đạo Phật làm tốt Đạo đẹp Đời, tinh thần hộ quốc an dân, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khóa: Giáo hội Phật giáo Việt Nam; an sinh xã hội; y tế; giáo dục; đóng góp; hộ quốc an dân.

1. Vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội

Sau gần 40 năm đất nước đổi mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn phát huy vị trí, vai trò đồng hành cùng dân tộc. Trong quá trình nhập thế, hành thiện, Phật giáo đã vận động tăng, ni, tín đồ tích cực triển khai các hoạt động xã hội hướng tới cứu khổ độ sinh đến tất cả cộng đồng, đạt hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực.

Phật giáo luôn có những hoạt động tích cực để góp phần giảm bớt những mặt trái đã và đang phát sinh trong xã hội, đồng thời, xây dựng nếp sống hài hòa về mặt tinh thần và vật chất. 

Truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam luôn được phát huy trong mọi giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, với tinh thần “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động tăng ni, tín đồ Phật tử tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục – đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương trên cả nước. 

Giáo lý Phật giáo luôn đề cao tinh thần vô ngã, vị tha, khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện lòng nhân ái với người khác. Vì vậy, trong số các hoạt động của Giáo hội Phật giáo, hoạt động giáo dục và y tế là những hoạt động từ thiện nhân đạo, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội của Phật giáo đối với Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội ổn định, phát triển. Điều đó càng chứng minh rất rõ ràng và cụ thể tinh thần nhập thế, hành thiện của Phật giáo không chỉ là sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần mà còn bằng những hành động mang tính thực tiễn, thiết thực đối với cộng đồng xã hội. 

Có thể thấy, xu hướng hoạt động vì cộng đồng xuất phát từ nhu cầu phát triển tự thân của Phật giáo trong bối cảnh mới, là cách hoằng dương Phật pháp, nâng cao vai trò và vị thế của Phật giáo trong đời sống xã hội.

2. Những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục và y tế của Giáo hội Phật giáo

Những hoạt động xã hội của Giáo hội Phật giáo, đặc biệt là hoạt động giáo dục và y tế ngày càng tăng về quy mô, phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện, mở rộng hơn về đối tượng thụ hưởng. Các hoạt động này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của tăng, ni, Phật tử với một số hoạt động tiêu biểu, như: xây dựng trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, mở phòng khám Đông y; trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người mắc HIV/AIDS, tham gia hiến máu nhân đạo; khám bệnh và phát thuốc cho các bệnh nhân nghèo. 

Thông qua việc thực hiện hiệu quả hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục và y tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, trẻ em được đến trường, thanh niên được học nghề và có việc làm, góp phần giải quyết những gánh nặng cho xã hội. 

Thứ nhất, trong lĩnh vực giáo dục.

(1) Nhiệm kỳ VII (2007 – 2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng được 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, với trên 20.000 em, mở các lớp dạy nghề miễn phí cho con em Phật tử, các hộ nghèo, người khuyết tật 1.

(2) Nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), Hội đồng trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên cả nước đã mở 120 lớp học tình thương, với 5.678 em, 199 giáo viên; 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập; 46 trung tâm nuôi dạy 1.429 trẻ mồ côi, trẻ chất độc màu da cam 2.

Bên cạnh đó, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho gia đình Phật tử khó khăn, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật để họ có cuộc sống ổn định về vật chất. Hiện nay, có 10 trường dạy nghề miễn phí với đa dạng các ngành, như: các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học vi tính văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc….; mở 3 khóa dạy nghề massage cho học viên khiếm thị, 165 học viên tốt nghiệp, có chứng chỉ nghề, có việc làm ổn định cuộc sống 3.

Thứ haitrong lĩnh vực y tế.

Hoạt động y tế về chăm sóc sức khỏe, thăm khám, chữa bệnh cho Nhân dân ngày càng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm và phát triển cả về số lượng và chất lượng: 

Nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), trong toàn Giáo hội Phật giáo có 165 Tuệ Tĩnh đường,  hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc; có trên 10 phòng khám Tây y, Đông – Tây y kết hợp đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng 4.

Nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y, với 206 lương y, 40 bác sĩ đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng 5. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS, như: chùa Kỳ Quang (Quận Gò Vấp), chùa Diệu Giác (Quận 2) ở TP. Hồ Chí Minh; thành phố Hà Nội có chùa Pháp Vân, chùa Hiển Quang, chùa Thanh Am; thành phố Hải Phòng có chùa Bảo Quang; Đà Nẵng có chùa Quang Minh; Thừa Thiên Huế tổ chức lớp dạy châm cứu, 2 lớp dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức,…6.

Như vậy, hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục và y tế để giúp người, cứu đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cho thấy ý nghĩa quan trọng là hành đạo giúp đời. Sự đóng góp đó đã thể hiện rõ tinh thần của Phật giáo đang tiếp tục tăng cường vai trò của mình đối với chủ trương hiện thực hóa, tinh thần nhập thế, hành thiện với phương châm: “đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội”. Hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục và y tế của Phật giáo đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển của cộng đồng. Phật giáo đã thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa đạo với đời, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh nội lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay ở Việt Nam.

Những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế đã góp phần khẳng định vai trò của Phật giáo trước các vấn đề xã hội của đất nước, đồng thời, khẳng định giáo lý của Đức Phật là nhân văn, nhân ái vì con người, làm tròn sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới.

3. Kết luận

Với bản chất từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống, chân lý sống đẹp, đề cao đạo đức, đề cao tính thiện, đạo Phật đã thực sự trở thành tôn giáo truyền thống của người Việt. Phật giáo đang tiếp nối lịch sử, đoàn kết để làm tròn sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hòa mình cùng với dòng chảy phát triển của đất nước về mọi mặt, từ công cuộc xây dựng Tổ quốc đến đời sống xã hội. Trong đó, từ thiện xã hội của Phật giáo là hoạt động thường xuyên, giàu ý nghĩa và đã đem lại những kết quả to lớn, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc ổn định đất nước, an sinh xã hội.

Chú thích:
1, 4. Báo cáo tổng kết hoạt động phật sự nhiệm kỳ VII và chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII. https://ghpgvn.vn, ngày 20/11/2017.
2, 3, 5, 6. Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022). https://daihoi9.ghpgvn.org.vn, ngày 27/11/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Quang Điện, Nguyễn Văn Tuân. Phật giáo với hoạt động bảo đảm an sinh xã hội – một số vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Tôn giáo, 2020.
2. Phật giáo Việt Nam hộ quốc, an dân luôn đồng hành cùng dân tộc. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 13/02/2013.
3. Phật giáo luôn có vai trò quan trọng trong việc “hộ quốc, an dân”. https://vietnamnet.vn, ngày 07/11/2021.    
4. Tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong đối phó với đại dịch Covid-19. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 30/5/2023.
5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn có những đóng góp quan trọng đối với đất nước.https://nhandan.vn, ngày 26/5/2023.