Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở tỉnh Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong thời đại số

ThS. Trương Minh Chánh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long

(Quanlynhanuoc.vn) – Cán bộ quản lý giáo dục là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, có nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Bài viết gợi mở một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại số và nền kinh tế tri thức.

Từ khóa: Cán bộ quản lý giáo dục, kỷ nguyên số, Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi thông qua quá trình giáo dục, đào tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau là nhân tố quyết định đến việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác, phát triển với các quốc gia trên thế giới của Đảng, Nhà nước đề ra. Để hoàn thành mục tiêu trên, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói chung ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

2. Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay 

Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển để nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo là xây dựng đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục để phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành nghề của nền kinh tế – xã hội.

Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp về  phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế; thực hiện chuẩn hóa theo từng cấp học và trình độ đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý, được thực hiện chế độ ưu đãi và được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ;… 

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở hạ lưu sông MêKông, giữa sông Tiền và sông Hậu, thuộc trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với 7 tỉnh, thành phố1, có 5 quốc lộ đi qua, cách TP. Hồ Chí Minh 136 km theo Quốc lộ 1A; diện tích tự nhiên 1.520,17 km2, có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố), với 107 xã, phường, thị trấn và 752 ấp, khóm, khu; dân số 1.022.791 người, mật độ dân số khoảng 690 người/km, chủ yếu là 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa (trong đó dân tộc Kinh chiếm 97,5%, dân tộc Khmer gần 2,1%, còn lại là các dân tộc khác), trên 83% dân số sống ở nông thôn2.

Những năm qua, kinh tế – xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, đa số các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng GRDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. 

Công tác phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và triển khai thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/TU; Chương trình số 09-CTr/TU3 nhằm thống nhất triển khai và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: mạng lưới trường lớp rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ, kịp thời; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên.

3. Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 406 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, với 956 cán bộ quản lý giáo dục4; số lượng cán bộ quản lý đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 là 956/956 người, đạt tỷ lệ 100%, trong đó, số lượng cán bộ quản lý trên chuẩn là 426/956 người, tỷ lệ 44,56%. Tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục có trình độ thạc sỹ còn thấp, 130/956 người, tỷ lệ 13,6%.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thức và hành động đúng với quan điểm, đường lối, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có thâm niên, quản lý, điều hành đơn vị, thực hiện nhiệm vụ phân công đúng pháp luật và đúng quy định. Thực hiện tương đối tốt công tác tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh để thực hiện công tác giáo dục của địa phương, của nhà trường, được phụ huynh học sinh, Nhân dân tín nhiệm.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn một số hạn chế, như: phần lớn số lượng cán bộ quản lý nhiều tuổi nên khả năng tiếp cận với sự đổi mới chậm, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý gặp nhiều khó khăn, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý còn hạn chế do trình độ, tuổi tác; một số cán bộ quản lý thiếu nhiệt tình, hiệu quả công việc không cao, còn có suy nghĩ làm cho đúng thời gian để được nghỉ hưu; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nên số lượng, trình độ, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, hạn chế đến chất lượng giáo dục toàn diện và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do: (1) Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo chưa thật sự chú trọng đến xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. (2) Việc cụ thể hoá, vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước vào địa phương còn thấp, còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự định hướng của cấp trên. (3) Tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa cao trong lựa chọn, đưa vào nguồn xây dựng, phát triển. (4) Một số cán bộ quản lý giáo dục chưa phát huy hết năng lực, sở trường, thế mạnh của bản thân, nhất là giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách của nghề giáo. 

4. Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại số

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. 

Quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là nội dung quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương của cấp ủy và chính sách quản lý giáo dục, giúp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa về phẩm chất, trình độ, năng lực. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phải bảo đảm các yêu cầu chung, đúng trình tự và hướng dẫn của Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. 

Việc quy hoạch phải bảo đảm tính liên tục, kế thừa, được bổ sung hằng năm; quy hoạch dựa trên kết quả điều tra, xử lý thông tin về số lượng, cơ cấu; trình độ kiến thức; độ tuổi… của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển chọn cán bộ vào danh sách quy hoạch bảo đảm dân chủ, công khai, bảo đảm các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý,…

Công tác quy hoạch phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đồng thời chống biểu hiện bè phái, ô dù, cục bộ. Quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phải gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và năng lực quản lý để đối tượng trong quy hoạch phát huy năng lực trong hoạt động quản lý ở các trường học.

Thứ hai, đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sử dụng, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

 Tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ và công khai. Quán triệt quan điểm trọng dụng người có tài, có đức thật sự, không câu nệ vào bằng cấp, cơ cấu, quá trình cống hiến hay thành phần xuất thân… Công khai các tiêu chuẩn tuyển chọn nhằm lựa chọn đúngngười vào cương vị lãnh đạo. Linh hoạt, sáng tạo việc áp dụng các phương pháp giao nhiệm vụ để thử thách, rèn luyện, thể hiện tài năng đối với các trường hợp định tuyển chọn, tạo điều kiện để mọi người đều có quyền và có điều kiện được bộc lộ phẩm chất, tài năng của mình; ai có tài, có đức phải được trọng dụng. Quy trình, cách thức thực hiện công tác bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ theo các quy định hiện hành. Người được bổ nhiệm cần trình bày đề án công tác trong nhiệm kỳ của mình để các cấp có thẩm quyền cùng cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở xem xét, tham khảo.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

 Nội dung của đào tạo, bồi dưỡng được quy định bởi các tiêu chí về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Đào tạo, bồi dưỡng còn góp phần khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực trong mỗi con người, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần căn cứ vào chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Như vậy, nội dung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có quan hệ mật thiết với chuẩn các điều kiện, tiêu chí của trường học theo quy định chung hiện nay, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm cụ thể và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. 

Xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chương trình, nội dung, tiến trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với đối tượng đương chức và đối tượng trong quy hoạch. Cần đầu tư thích đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách lựa chọn, bố trí, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục một cách phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi khu vực, địa bàn xác định. 

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách, bảo đảm các điều kiện làm việc, tạo động lực để đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, khuyến khích những người làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả, phát huy gương mẫu, tài năng của cán bộ quản lý phấn đấu, yên tâm công tác, gắn bó với nghề nghiệp, chống chủ nghĩa bình quân, nhất là đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như tỉnh Vĩnh Long. 

Các chính sách như phụ cấp chức vụ, chế độ ưu đãi, chế độ tiền lương… phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật chất và tinh thần, khuyến khích và nhân rộng gương sáng trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Không ngừng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng môi trường làm việc tốt; thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực bảo đảm các điều kiện công tác điều hành, quản lý.  

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại, tạo ra động lực để đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cống hiến sức lực, tâm trí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục không đúng, không chính xác dẫn đến sử dụng cán bộ một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu, gây nên mất ổn định, trì trệ trong công việc. Vì vậy công tác kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần thực hiện một cách đa dạng, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, kiểm tra bất thường. Kết hợp nhiều nguồn thông tin để kiểm tra, đánh giá; xử lý tốt các thông tin trong hồ sơ tự đánh giá, ý kiến chỉ đạo, tham vấn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể. 

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, trung thực, tránh hình thức, chạy theo thành tích. Ngăn ngừa, phòng chống mọi biểu hiện độc đoán, bè phái, mất dân chủ, định kiến, cá nhân trong thanh tra, kiểm tra, nhận xét, đánh giá cán bộ; xử lý các phần tử cơ hội lợi dụng chạy chức, chạy quyền trong việc sắp xếp tổ chức đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, bãi miễn, thực hiện các biện pháp về đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách và điều kiện làm việc.

Thứ sáu, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục

Thực hiện giải pháp này bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc làm cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm về số lượng, cơ cấu, trình độ, hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu chung vừa phù hợp với điều kiện của tỉnh Vĩnh Long. 

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34/CT-TW của Bộ Chính trị về củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong các trường học, Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đối với chính quyền huyện, xã. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thực hiện quy chế phối hợp với chính quyền, đoàn thể, định rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của nhà trường, của cơ quan quản lý giáo dục trong công tác tham mưu, tư vấn về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong giáo dục.

4. Kết luận

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục Vĩnh Long mà cần có sự tham gia tích cực, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị. Sự phối hợp đồng bộ, sáng tạo linh hoạt ở từng địa bàn cụ thể, khắc phục khó khăn trong quản lý của các cấp ủy, chính quyền, của ngành giáo dục để công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đúng tiêu chuẩn, phát huy hiệu quả. Có như vậy, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Vĩnh Long nói chung chính là góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Chú thích:
1. Gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ.
2. Số liệu thống kê năm 2019: Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 169.862 người, chiếm 16,6% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn đạt 852.929 người, chiếm 83,4% dân số. Dân số năm 503.878 người, nữ 518.913 người. Nhóm tuổi từ 15 đến 59 tuổi chiếm 69,83%, hai nhóm tuổi còn lại là từ 0 đến 14 tuổi và trên 60 tuổi lần lượt chiếm 9,09% và 21,08% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương giảm 0,02‰, tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên là 0,87%. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2020 là hơn 23%.
3. Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 26/7/2016 về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chương trình số 09-CTr/TU ngày 08/11/2011 của Tỉnh ủy “về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2016 – 2020”.
4. Chia ra: Mầm non 315 người; tiểu học 330 người; trung học cơ sở 192 người; trung học phổ thông 98 người; giáo dục thường xuyên 21 người.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị 40/CT- TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư trung ương Đảng về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 
3. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (khóa X) trình Đại hội XI của Đảng.
4. Chương trình số 09-CTr/TU ngày 08/11/2011 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2016 – 2020.
5. Báo cáo số 563-BC/TU ngày 25/3/2020 của Tỉnh ủy Vĩnh Long tổng kết việc thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 08/11/2011 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2016 – 2020.