Bồi dưỡng lối sống cho học viên trong các nhà trường quân đội dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường hiện nay

Đại úy Phạm Đăng Hưng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng 

(Quanlynhanuoc.vn) – Lối sống của học viên trong các nhà trường quân đội hiện nay chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của các chủ thể giáo dục về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tính tự giác, tự rèn luyện lối sống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từ đó, họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành người cán bộ quân đội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Từ khóa: Học viên; kinh tế thị trường; lối sống; nhà trường quân đội.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sản phẩm của thời kỳ đổi mới, thay thế nền kinh tế kế hoạch bằng nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong nền kinh tế này, cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ để phát huy mạnh mẽ và có tác động rộng khắp tới mọi mặt đời sống xã hội, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm vật chất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện hiện nay cũng có nghĩa là có sự tồn tại khách quan của nhiều quan hệ sở hữu khác, trong đó có hình thức sở hữu t­ư nhân về t­ư liệu sản xuất, sự phân hóa giàu – nghèo, phân tầng xã hội. Trong cơ chế thị trường cũng dễ nảy sinh tình trạng tham nhũng, tội phạm, bạo lực, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, bất chấp đạo lý… Những mặt trái này tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và ở các nhà trường quân đội nói riêng. Vì vậy, việc bồi dưỡng cho học viên có lối sống chuẩn mực trong môi trường quân đội dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay trở nên cần thiết, nhằm xây dựng các nhà trường quân đội vững mạnh, gắn liền với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội vừa “hồng” vừa “chuyên” của Đảng và Nhà nước.

2. Lối sống và bồi dưỡng lối sống của học viên ở các nhà trường quân đội 

Lối sống là những hoạt động mang tính điển hình của con người mang tính xã hội, chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống. Hay “lối sống là tổng thể những phẩm chất, năng lực khẳng định tính chủ thể, thể hiện hoạt động sống của con người được biểu hiện ở cả đời sống vật chất, tinh thần, chính trị và xã hội, các chuẩn mực và quy tắc hành vi của cá nhân, phản ánh điều kiện tồn tại của xã hội đó”1. Lối sống là yếu tố then chốt của văn hóa, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cũng là kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể. 

Đối với học viên trong các nhà trường quân đội, lối sống của họ là tổng hòa phương thức sống cơ bản thể hiện ở nhận thức, thái độ, hành vi trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ với đồng chí, đồng đội; với cán bộ cấp trên; với gia đình và xã hội. Lối sống của người học viên cũng là yếu tố tạo nên phẩm chất chính trị, giữ vai trò định hướng hành vi chính trị nhưng lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có những mặt trái nền kinh tế thị trường. Những mặt trái này xuất phát từ sự đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quân đội và dân tộc. Đây chính là những biểu hiện còn tồn tại ở một số học viên hiện nay nhưng nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trong các nhà trường quân đội. 

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, các cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc bồi dưỡng lối sống cho học viên, quá trình bồi dưỡng được thực hiện với nhiều hình thức, như: xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa quân sự; tổ chức các phong trào thi đua hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao; diễn đàn giao lưu với Nhân dân và thanh niên địa phương…Các hình thức này nhằm hướng đến nâng cao nhận thức, định hướng thái độ và hướng dẫn hành vi lối sống phù hợp với giá trị chuẩn mực của người quân nhân cách mạng. Bên cạnh đó, nội dung bồi dưỡng lối sống còn được lồng ghép trong chương trình, nội dung huấn luyện, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng và thông qua thực hiện các chế độ hằng ngày ở đơn vị quản lý học viên trong các nhà trường quân đội. Thông qua đó, lối sống văn hóa của học viên ngày càng trưởng thành về nhân cách, tiến bộ về nhận thức cũng như hành vi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, quá trình bồi dưỡng lối sống học viên gắn với hoạt động huấn luyện vẫn còn những hạn chế, trong đó nhận thức của một số chủ thể giáo dục chưa cao trong việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng lối sống học viên, thậm chí chưa thực sự là tấm gương cho học viên noi theo; đồng thời, một số học viên chưa tự xây dựng bồi dưỡng lối sống nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của các học viên chưa thường xuyên liên tục. 

Xây dựng lối sống cho học viên trong các nhà trường quân đội là quá trình tác động toàn diện của các chủ thể và sự nỗ lực của học viên trong quá trình tích hợp hệ giá trị văn hóa lối sống phù hợp với các tiêu chí chân, thiện, mỹ, đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo của từng nhà trường và yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.

3. Một số giải pháp bồi dưỡng lối sống học viên trong các nhà trường quân đội 

Một là, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các chủ thể giáo dục trong bồi dưỡng lối sống học viên.

Đây là biện pháp quan trọng tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức của các chủ thể giáo dục trong bồi dưỡng lối sống cho học viên. Chủ thể giáo dục trực tiếp bồi dưỡng và phát triển về lối sống học viên là các cấp ủy đảng các cấp, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý học viên ở các nhà trường quân đội. Quá trình giáo dục, đào tạo không chỉ trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng công tác mà còn phải cảm hóa họ bằng chính sự mẫu mực về nhân cách, lối sống của mình, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”2; đồng thời, cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, sự cần thiết phải bồi dưỡng về lối sống cho học viên trong tình hình hiện nay.  

Quá trình tác động của các chủ thể giáo dục tới học viên sẽ xây dựng nét đặc trưng riêng của mỗi cá nhân và của nhà trường. Tuy nhiên, cần phải hướng đến mục tiêu chung là giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có sức lan tỏa mạnh mẽ đạt được mục tiêu, yêu cầu, bảo đảm cho học viên có lý tưởng cách mạng, ý thức sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và Quân đội lên trên hết; có ý thức nghề nghiệp, tính tích cực, chủ động, tự giác trong học tập, rèn luyện, nắm vững kiến thức, kỹ năng để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Xây dựng cho học viên có lối sống đúng mực trong ứng xử văn hóa với xã hội; đồng thời, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu. Những nội dung này cần được chuẩn hóa thành các tiêu chí cụ thể trong học tập, rèn luyện, thi đua, khen thưởng, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm làm cơ sở cho học viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu.

Các nhà trường quân đội cần gắn kết chặt chẽ giữa công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc xây dựng lối sống chuẩn mực cho học viên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện rập khuôn, máy móc, nóng vội hay sự đơn giản, buông lỏng việc bồi dưỡng lối sống cho học viên.

Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống chuẩn mực cho học viên.

Trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường hiện nay, việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho học viên không đơn giản. Bởi lẽ, để có lối sống chuẩn mực không phải ngay một lúc mà có, học viên phải trải qua một quá trình giáo dục, rèn luyện; tự giáo dục, tự rèn luyện công phu, gian khổ, trong khi những mặt trái đó luôn tồn tại, lúc ẩn, lúc hiện trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở rằng phải rèn luyện tính kiên trì, bởi theo Người: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”3. Do đó, các chủ thể giáo dục cần kiên trì, bền bỉ; xây dựng thói quen một cách thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng giáo điều, hình thức, tư tưởng nóng vội, chủ quan đốt cháy giai đoạn. 

Vì vậy, các nhà trường quân đội cần phải tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Bồi dưỡng cho học viên lối sống trung thực, thẳng thắn, mình vì mọi người, tránh xa lối sống thực dụng, vô cảm, bệnh thành tích, chỉ biết hưởng thụ mà không biết nỗ lực vươn lên; khơi dậy và phát huy lối sống biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; dám hành động vì những lợi ích tập thể; khẳng định, tôn vinh những giá trị cao thượng, tốt đẹp của con người Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng xây dựng cho học viên nét đẹp văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là tinh thần đấu tranh, dám hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân, sự đoàn kết gắn bó đồng chí, đồng đội, tình đoàn kết quân – dân.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện, phát triển lối sống.

Đây là giải pháp quyết định đến hiệu quả của quá trình bồi dưỡng lối sống cho học viên trong nhà trường quân đội. Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền chỉ có hiệu quả khi học viên tự giác, tích cực, không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện. Đây chính là sự chuyển hóa từ quá trình được giáo dục sang quá trình tự giáo dục và cũng là thuộc tính vốn có trong bản chất con người. 

Với tư cách là chủ thể chịu sự giáo dục, quản lý trong nhà trường quân đội, học viên cần tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tạo sự miễn dịch trước những tác động tiêu cực để hoàn thiện nhân cách, lối sống. Những vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận – chính trị, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống dân tộc diễn ra hàng ngày thông qua quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của học viên. Đây là biện pháp thúc đẩy quá trình hoàn thiện lối sống của học viên trong các nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong thời kỳ mới.

Bốn là, nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa trong các nhà trường quân đội.

Môi trường văn hóa ở các nhà trường quân đội là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần tác động đến mọi mặt hoạt động của quân nhân, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện những phẩm chất, lối sống văn hóa của học viên. Xây dựng môi trường văn hóa cũng như tính văn hóa trong môi trường quân đội là một trong những nội dung quan trọng thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Môi trường văn hóa của nhà trường quân độilành mạnh sẽ thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, tránh những cám dỗ về vật chất, ham muốn tầm thường; biết hy sinh bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, cái ác… 

Xuất phát từ xây dựng môi trường văn hóa còn là biện pháp quan trọng, góp phần đấu tranh ngăn ngừa các sản phẩm độc hại, phản động, phi văn hóa xâm nhập vào nhà trường; đồng thời, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

4. Kết luận

Ngăn chặn và khắc phục những tác động tiêu cực từ những mặt trái kinh tế thị trường đến lối sống của học viên trong các nhà trường quân đội là yêu cầu quan trọng, là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, là trách nhiệm của các chủ thể giáo dục có liên quan cũng như cá nhân học viên. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên là điều kiện thuận lợi để xây dựng lối sống chuẩn mực cho học viên, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm khi học viên ra trường sẽ là những cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực, tương xứng với chức trách, cương vị được giao.

Chú thích:
1. Trần Hậu Tân. Xây dựng lối sống tích cực của sinh viên trước tác động của mạng xã hội hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 19.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 284.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 46.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXBChính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Bồi dưỡng kỹ năng số cho học viên, chiến sĩ. https://www.qdnd.vn, ngày 06/6/2016.
3. Phát triển lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. http://vanhoanghethuat.vn, ngày 27/5/2022.