Nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ

ThS. Bùi Thị Phương Lan
Học viện Hành chính Quốc gia 

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển và hợp tác quốc tế. Bài viết phản ánh thực trạng năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện của các tỉnh Nam Bộ. Từ đó, đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, góp phần tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế của các tỉnh Nam Bộ.

Từ khóa: năng lực sử dụng ngoại ngữ; công chức lãnh đạo, quản lý; cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; các tỉnh Nam Bộ.

1. Ngoại ngữ đối với công chức lãnh đạo, quản lý

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã xác định: “Tập trung phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền hành chính quốc gia. Như vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước nói chung và công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện nói riêng cần phải tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, trong đó có năng lực ngoại ngữ; xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ ngoại ngữ bậc 3 hay 4 mà chỉ quy định chung là phù hợp theo yêu cầu của cơ quan nơi công chức công tác1. Do đó, trên thực tế, việc đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 hay 4 không còn là điều kiện bắt buộc, nhưng để đáp ứng được yêu cầu công việc, công chức lãnh đạo, quản lý phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ tương đương bậc 3 và 4.  

Việc yêu cầu công chức lãnh đạo phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc 4 không chỉ để đáp ứng yêu cầu công việc mà còn rất cần thiết trong giao tiếp thường ngày khi đi công tác, học tập ở nước ngoài hay khi được cử đi học bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Điều đó cũng đã được xác định qua mục tiêu Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030:  phấn đấu đến hết năm 2025, 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định. Đến hết năm 2030: 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.

2. Thực trạng năng lực sử dụng ngoại ngữ đối với công chức lãnh đạo, quản lý tại cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện

Qua kết quả khảo vào tháng 11/2023 sát đối với 350 công chức lãnh đạo,  quản lý tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện của 7 tỉnh Nam Bộ (bao gồm: TP. Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Bình Phước; Lâm Đồng; Cần Thơ; Bình Thuận; Kiên Giang), cho thấy: xét trên hồ sơ giấy tờ, có 65% công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện tại các tỉnh Nam Bộ đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ từ bậc 3 trở lên, cụ thể là: 37,43% có chứng chỉ bậc 3; 8% có chứng chỉ bậc 4; 1,43% có chứng chỉ bậc 5; 4,29% có chứng chỉ bậc 6 và có 14% có bằng đại học. Số còn lại có chứng chỉ bậc 1 và 2, trong đó bậc 2 chiếm đa số.

Tuy nhiên, nếu xét theo các tiêu chí đối với từng cấp độ cho từng kỹ năng theo các nhóm năng lực thì kết quả được phản ánh như sau:

a. Đối với nhóm năng lực tiếp nhận thông tin bằng ngoại ngữ trong giao tiếp, cụ thể là kỹ năng nghe và đọc:

– Kỹ năng nghe: có 28,86% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 3 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 39,71% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém chiếm 28.29%; có 22% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 4 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 33,71% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 42%.

– Kỹ năng đọc: có 33,71% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 3 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 37,43% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém chiếm 26.29%; có 25,71% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 4 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 32% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 39,43%.

b. Đối với nhóm năng lực sản sinh trong giao tiếp, cụ thể là kỹ năng Nói và Viết có kết quả như sau:

– Kỹ năng nói: có 26% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 3 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 35,43% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 35,71%; có 22,29% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 4 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 30,29% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 44,29%.

– Kỹ năng viết: có 24,85% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 3 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 35% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 40,58%; có 19,80% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 4 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 31,86% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 48,31%.

c. Đối nhóm năng lực tương tác bao gồm kỹ năng Nói tương tác và Viết tương tác:

– Kỹ năng nói tương tác: có 27,99% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 3 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 37,43% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 31,14%; có 21,72% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 4 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 31,71% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 43,14%.

– Kỹ năng viết tương tác: có 22,85% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 3 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 36,29% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 38,29%; có 18,86% công chức lãnh đạo, quản lý đạt cấp độ 4 ở mức độ từ khá tốt đến rất tốt và 30,86% đạt mức độ trung bình. Mức độ yếu kém là 47,71%.

Kết quả khảo sát trên cho thấy rõ ràng rằng số lượng công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện tại các tỉnh Nam Bộ có năng lực sử dụng ngoại ngữ bậc 3 trở lên ở mức khá tốt cho đến rất tốt vẫn còn thấp, thấp hơn so với số lượng yếu kém khá nhiều. Trong khi mức độ trung bình chiếm phần khá lớn. Tuy nhiên, ở mức độ này thì khả năng sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp và sử dụng trong công việc cũng như học tập và nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, cần phải ưu tiên nâng cao năng lực ngoại ngữ cho những đối tượng này trước tiên.

Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ công chức lãnh đạo, quản lý đạt yêu cầu về kỹ năng nói, nghe và viết thấp hơn so với kỹ năng đọc. Đặc biệt là nhóm kỹ năng tương tác, đòi hỏi phải có sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe hay giữa người viết và người đọc. Kỹ năng nói tương tác chỉ có 27,99% đạt khá tốt trở lên ở bậc 3 và 21,72% ở bậc 4. Trong khi viết tương tác đạt bậc 3 chỉ là 22,85%, bậc 4 là 18,86%.

Nhìn chung, nếu xét theo các nhóm năng lực như đã nêu ở trên thì công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ còn gặp nhiều vấn đề khó khăn đối với các kỹ năng thuộc nhóm năng lực sản sinh và tương tác. Điều đó là một thách thức lớn đối với mục tiêu được đề ra trong Chương trình trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030.

3. Một số đề xuất nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ

Để nâng cao năng lực ngoại ngữ của công chức, lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức đối với hoạt động bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Bản thân công chức cần phải nhận thức rõ vai trò và sự cần thiết của việc học tập ngoại ngữ, quyết tâm vượt qua những khó khăn, rào cản, phấn đấu đạt kết qủa cao nhất khi tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị cũng như của cả bộ máy hành chính nhà nước ở địa phươngnhằm đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế,

Thứ hai, rà soát, đánh giá, phân loại năng lực và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của từng đối tượng và nhóm đối tượng nhằm bảo đảm tính khả thi về việc bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý. Mỗi cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện cần phải rút ra những điểm mạnh, điểm yếu chung, có tính phổ biến cũng như đặc thù riêng của từng nhóm đối tượng trong từng ngành, lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả của hoạt động này là căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ phù hợp với từng nhóm đối tượng ở từng cơ quan, đơn vị cũng như ở các cấp của từng địa phương thuộc khu vực Nam Bộ. 

Thứ ba, sau khi rà soát, đánh giá, phân loại trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ, các cơ quan, đơn vị tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của cơ quan, đơn vị mình. Trong đó cần xác định được những vấn đề về nội dung chương trình bồi dưỡng, thời lượng bồi dưỡng, cách thức tổ chức bồi dưỡng, phương pháp đào tạo bồi dưỡng và đánh giá kết quả, cơ sở vật chất, nguồn lực giảng viên, thời gian bồi dưỡng… Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị tại các cấp (tỉnh, huyện) tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu và kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng định kỳ hoặc đột suất.

Thứ tư, để hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đạt được kết quả tốt cần phảicó cơ chế chính sách cụ thể, thỏa đáng đối với từng địa phương. Các cơ chế, chính sách khuyến khíchphải bảo đảm về lợi ích vật chất cũng như lợi ích về tinh thần của công chức lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp hành chính trong quản lý công chức như đưa kết quả nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ vào tiêu chuẩn phân loại công chức hàng năm, vào tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng, nâng ngạch, nâng lương, bổ nhiệm, đề bạt… Để làm được điều này, chúng ta cần áp dụng các phương pháp đánh giá chính xác, khách quan, kịp thời, hiệu quả bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý cũng như từng bước phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương trong từng giai đoạn, thời kỳ nhất định. 

Thứ năm, nhằm tạo môi trường học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ hiệu quả, các đơn vị cần tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ bằng cách cần thúc đẩy hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, hợp tác, cung cấp các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý. Các đơn vị cũng nên xem xét và lập kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài đủ năng lực và điều kiện để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời, hằng năm các địa phương có chính sách cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để tạo điều kiện cho công chức lãnh đạo, quản lý có cơ hội bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, làm việc trong môi trường quốc tế.

Chú thích:
1. Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ươngĐảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 
2. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
3. Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bô, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030.
4. Daniel F. Runde and Erin Nealer (2017), “English language proficiency and development”, Center for Strategic and International Studies, truy cập: https://www.csis.org/analysis/english-language-proficiency-and-development.