Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Tài chính – Marketing trước yêu cầu chuyển đổi số

TS. Bùi Thanh Tùng
ThS. Nguyễn Minh Hiền
Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ và tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đặt ra yêu cầu cần có sự đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc đại học. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị của Trường Đại học Tài chính – Marketing hiện nay.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; chất lượng giảng dạy; lý luận chính trị; chuyển đổi số; Trường Đại học Tài chính – Marketing.

1. Đặt vấn đề

Việc dạy và học trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là một không gian rộng mở với các thiết bị kết nối và dữ liệu được số hóa để người dạy, người học có thể chủ động tham gia vào quá trình giáo dục – đào tạo. Trong đó, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và chuyển đổi số, giảng dạy lý luận chính trị ở bậc đại học phải đem lại cho người học tư duy về những kiến thức lý luận, khả năng sáng tạo, vận dụng vào thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, đối với môn học có tính định hướng tư cao như các môn lý luận chính trị, công tác giảng dạy trong bối cảnh chuyển đổi số vẫn phải bảo đảm giữ vững tính đảng, tính chiến đấu cho người học trước những tác động của môi trường xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của internet và mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá. Vì vậy, giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học cần có cái nhìn xa hơn nhằm định hướng nhận thức, thái độ chính trị của người học trước những thông tin đa dạng, nhiều chiều trên môi trường không gian mạng và thế giới ảo. Do đó, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học phải tận dụng được “internet kết nối vạn vật” trong kỷ nguyên số để định hướng nhận thức và tư tưởng cho người học không chỉ thông qua kiến thức trên giảng đường mà còn trong môi trường “mở”.

Như vậy, trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở bậc đại học là xu thế khách quan, Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng nằm trong xu thế đó.

2. Thực trạng nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Tài chính – Marketing 

Trước tác động từ bối cảnh khoa học – công nghệ không ngừng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, Ban Giám hiệu nhà trường đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh về mục tiêu, chiến lược đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo, nhất là đối với các môn lý luận chính trị với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Trong đó, đã đạt được một số kết quả như sau:

(1) Về chương trình đào tạo: Nhà trường đã đổi mới chương trình giáo dục các môn lý luận chính trị bám sát xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số theo hướng tăng cường các môn học tích hợp, liên ngành, tổng quan, cập nhật kiến thức mới. Xây dựng chương trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học các môn lý luận chính trị theo định hướng nghiên cứu liên ngành, tăng cường tính thực hành, thực tế trang bị cho người học phương pháp tự nghiên cứu, tự cập nhật kiến thức, biết nghiên cứu khoa học ngay từ khi học tập tại Trường; đặc biệt là có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo trước những thông tin sai trái, phản động, trái chiều trên không gian mạng. 

(2) Về phương pháp giảng dạy: để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nhà trường đã giữ vai trò định hướng tư tưởng bằng cách đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị. Bên cạnh việc trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho người học, nhà trường tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, đẩy mạnh hoạt động tự nghiên cứu, gắn chặt đào tạo với nghiên cứu một cách hiệu quả. Trước tác động mạnh mẽ, đa chiều của cách mạng công nghiệp 4.0 đến giảng dạy các môn lý luận chính trị, Nhà trường đã có sự cập nhật, đổi mới kịp thời về phương pháp giáo dục lý luận chính trị đối với cả người dạy và người học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên nhằm góp phần bổ sung, phát triển lý luận và nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị. 

(3) Về tổ chức giảng dạy: đã triển khai hệ thống quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo qua mạng máy tính, thực hiện thống nhất ở tất cả các chuyên ngành đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng kế hoạch giáo dục, đào tạo, triển khai xây dựng bài giảng dạng video để đáp ứng xu hướng đào tạo trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Nhà trường đã tích cực tập trung đầu tư hệ thống phòng máy tính, phòng học chuyên dùng cho các chuyên ngành đào tạo với trang thiết bị hiện đại; nâng cấp thư viện phục vụ nghiên cứu giáo trình, tài liệu, hệ thống phòng đọc, tra cứu mạng nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số từ cách mạng công nghiệp 4.0. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong thời gian qua, người học đã từng bước được tiếp cận với các phương thức giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các môn lý luận chính trị tương đối đa dạng, mềm dẻo, được trao đổi học thuật từ xa nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh từ quá trình học tập, nghiên cứu. 

(4) Về cơ sở vật chất: đã xây dựng nền tảng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu số, nguồn tài nguyên học liệu từng bước được số hóa, tiến tới xây dựng phòng học ảo có thể truy cập được từ xa, tổ chức các hình thức học tập, trao đổi chuyên môn, học thuật online, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Trường Đại học Tài chính – Marketing đã chủ động trang bị cơ sở vật chất, đồng thời tích cực đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên và kịp thời những kiến thức liên quan đến giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Đa số cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và sinh viên ở Nhà trường đã có đủ công cụ, phương tiện để có thể giảng dạy và học tập một cách thông minh trong bối cảnh mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong giảng dạy các môn lý luận chính trị trong môi trường chuyển đổi số, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, như:

Một là, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị còn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thành tựu khoa học – công nghệ, ngành, nghề mới khiến cho một bộ phận đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên chưa kịp thích nghi trước sức mạnh của công nghệ mới này. Nhiều giảng viên còn chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng giáo án điện tử chưa hiệu quả. Nhiều giờ học vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là thuyết trình, giảng giải, thiếu tính đối thoại làm cho các tiết giảng lý luận chính trị trở nên nhàm chán, sinh viên không hứng thú học tập.

Hai là, đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị chưa đáp ứng được sự phát triển khoa học – công nghệ của cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số. Nhà trường gặp khó khăn do nhu cầu đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị đòi hỏi ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Sự kết nối giữa Nhà trường với các cơ sở giáo dục – đào tạo trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu trong hoạt động giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Hơn nữa, trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, học tập, nắm bắt, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn phản ứng chậm trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học – công nghệ. 

Ba là, Nhà trường chưa có nhiều đổi mới trong việc tổ chức giảng dạy và xây dựng bài giảng điện tử theo kịp sự phát triển của cách mạng công nghiệp  4.0 và chuyển đổi số. Thời gian qua, mặc dù Nhà trường đã triển khai việc dạy học trực tuyến,  học qua internet, bước đầu xây dựng bài giảng điện tử để thích ứng với chuyển đổi số nhằm nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức mới, tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều trở ngại. Việc xây dựng bài giảng, bài giảng điện tử đối với các môn lý luận chính trị của một số giảng viên vẫn còn theo cách truyền thống. 

3. Một số giải pháp

Cuộc cách mạng công nghiệp  4.0 với chuyển đổi số đã kéo theo sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến giảng dạy các môn lý luận chính trị của Trường Đại học Tài chính – Marketing. Để tận dụng được thời cơ, thách thức mà cách mạng công nghiệp  4.0 và chuyển đổi số đặt ra, Nhà trường cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện mô hình dạy học phân hóa đối với các môn lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, học tập, nắm bắt, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên chính là nội lực quan trọng tạo nên động lực của quá trình thích ứng với phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có vai trò chủ đạo quan trọng, là lực lượng trực tiếp thực hiện định hướng, mục tiêu, hình thức và phương pháp giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học các môn lý luận chính trị của Nhà trường. Vai trò của giảng viên đã và đang có sự thay đổi từ địa vị người dạy sang “người thiết kế”, tham vấn, định hướng nhận thức để tạo ra môi trường học tập tự chủ, tích cực, sáng tạo cho người học. Sinh viên cần được đặt ở vị trí trung tâm, là thước đo đánh giá kết quả của quá trình giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học các môn lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra, sau khi tốt nghiệp ra trường có thể phát huy được khả năng và kỹ năng tự học trong thời đại “kết nối” và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các môn lý luận chính trị bám sát chuẩn đầu ra và theo hướng ứng dụng sát với thực tiễn.

Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp  4.0 và chuyển đổi số, việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các môn lý luận chính trị bám sát chuẩn đầu ra và theo hướng ứng dụng sát với thực tiễn là rất cần thiết. Theo đó, nhà trường cần tiếp tục hiện đại hóa nội dung dạy học, bảo đảm cho nội dung dạy học các môn lý luận chính trị phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội trong nước và thế giới. Cùng với đó, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị theo hướng “tích cực”, lấy người học làm trung tâm và coi đây là khâu đột phá có tính căn bản để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng, số hóa vào giảng dạy; tăng cường nội dung thực hành, thảo luận vào trong giảng dạy lý thuyết đối với các môn lý luận chính trị; đẩy mạnh phương pháp dạy học theo nhóm; tăng cường các phương pháp dạy học theo tính chất vừa học và nghiên cứu khoa học. 

Thứ ba, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Nhà trường cần thực hiện tốt việc rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị bảo đảm đủ về số lượng, đồng đều về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, chuẩn hóa về chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm: chuẩn về trình độ học vấn, chuẩn về trình độ chức vụ và kinh nghiệm thực tiễn, chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học) và có lực lượng dự trữ phù hợp. Nhà trường cần xây dựng cơ chế khuyến khích đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tự học tập, tự nghiên cứu thông qua lợi ích vật chất, tinh thần. Đồng thời, làm tốt việc tạo nguồn, tuyển chọn đầu vào; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên theo các chương trình tiên tiến, các chương trình hợp tác với các cơ sở giáo dục – đào tạo trong và ngoài nước. 

Thứ tư, tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, điều hành, quản lý đào tạo; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho giảng dạy các môn lý luận chính trị của Nhà trường.

Trong đó, Nhà trường cần phát huy hiệu quả hệ thống điều hành giáo dục – đào tạo qua mạng máy tính, nghiên cứu tích hợp với hệ thống mạng nội bộ, dữ liệu về giáo án, bài giảng các môn lý luận chính trị, nội dung giảng dạy theo chuẩn đầu ra cần được kết nối liên thông nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, cụ thể. Trên hệ thống mạng nội bộ cần xây dựng các chương trình ứng dụng, phần mềm tương thích và các hệ thống quản trị dữ liệu để người sử dụng có thể truy cập, khai thác các cơ sở dữ liệu, thông tin cần thiết cho hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị. Đồng thời, sinh viên cũng có thể theo dõi kết quả học tập, truy cập hệ thống chương trình chuẩn đầu ra, bài giảng, giáo trình, giáo khoa, tài liệu tham khảo, cũng như phản hồi về chất lượng bài giảng, giờ giảng và đánh giá chất lượng lên lớp của giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị. Trước yêu cầu của chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp  4.0, Nhà trường cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm phù hợp cho quản lý đào tạo. 

4. Kết luận

Cách mạng công nghiệp  4.0 và chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học các môn lý luận chính trị ở Trường Đại học Tài chính – Marketing. Điều này đòi hỏi Nhà trường cần đổi mới căn bản, toàn diện phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị để thích ứng với những thay đổi của khoa học – công nghệ và tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Thành công của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị cũng giúp Nhà trường nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi đó, đồng thời góp phần xây dựng Nhà trường là cơ sở giáo dục – đào tạo có chất lượng của cả nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Ngọc Am. Một số vấn đề về phương pháp dạy học lý luận chính trị. H. NXB Thông tấn, 2009.
2. Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Góp phần ngăn chặn các hiện tượng suy thoái và đấu tranh chống các quan điểm sai trái. NXB Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.
3. Phạm Tất Dong. Industry 4.0 và vấn đề giáo dục. Kỷ yếu Hội thảo “Tâm lý học, giáo dục học với việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. H. NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2016.
4. Tạ Việt Dũng, Trần Anh Tú. CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 03/2017.
5. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận trong hệ thống giáo dục quốc dân.
6. Tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam. https://tapchicongsan.vn, ngày 23/8/2017.