Phát triển nông nghiệp sinh thái ở thành phố Hà Nội 

Nguyễn Xuân Thúy
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Lê Bá Chính
Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nông nghiệp sinh thái là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đưa nền nông nghiệp nước ta hòa nhập với xu thế phát triển chung của nông nghiệp trên thế giới. Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua, nông nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai và đạt được thành công nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sinh thái vẫn còn nhiều hạn chế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nông sản. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng nông nghiệp sinh thái và đề xuất các giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững. 

Từ khóa: Nông nghiệp sinh thái; phát triển nông nghiệp; nông nghiệp thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Nông nghiệp sinh thái là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất, chất lượng cao, bảo đảm cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời bảo vệ môi trường. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”1. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, nông nghiệp sinh thái đã và đang được triển khai phát triển với nhiều mô hình, đem lại hiệu quả cao góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp thành phố phát triển, nâng cao đời sống của người nông dân.

2. Nông nghiệp sinh thái và vai trò của nông nghiệp sinh thái 

Phát triển nông nghiệp sinh thái đang là xu hướng phát triển nông nghiệp của các nước có trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO): “Nông nghiệp sinh thái là phương pháp tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội để xây dựng và quản trị các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Trong khi tối ưu hóa các mối tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, nó xem xét cả các yếu tố xã hội để hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững”2

Theo Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp phục vụ phát triển Pháp: “Nông nghiệp sinh thái là một trong những nhóm thực hành đa dạng có đặc điểm chung là sử dụng các chức năng sinh thái của hệ thống nông nghiệp để đảm bảo sản xuất bền vững. Các hệ thống khác nhau này, dựa trên việc tối ưu hóa các quy trình tự nhiên, đặc biệt phù hợp với các nông hộ nhỏ, có ít vốn”3

Như vậy, nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp sử dụng và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng những phương pháp tổng hợp nhằm đạt được nền sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Nông nghiệp sinh thái chú trọng việc áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất để môi trường sống không bị hủy diệt và tránh bị ô nhiễm. Nông nghiệp sinh thái hoạt động dựa trên việc triển khai các hệ thống canh tác cải tiến, sử dụng các tập quán và phương pháp kỹ thuật hiện đại, tiên tiến để sản xuất nông nghiệp bền vững, giữ được đất, nước và bảo vệ môi trường.

Nông nghiệp sinh thái có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp thành phố thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng và đa dạng hóa các loại nông sản nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu nhiều mặt của xã hội. Nông nghiệp sinh thái giúp cải thiện năng suất, chất lượng đất thông qua các biện pháp duy trì độ phì nhiêu của đất và thực hiện các chức năng của hệ sinh thái. Đồng thời, nông nghiệp sinh thái sử dụng tối ưu tài nguyên bằng các nguyên lý sinh thái học như đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, quản lý đất, nguồn nước và hạn chế sử dụng phân bón hóa học sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự hồi phục và chống chịu trước các thảm họa thiên tai. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp sinh thái góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Trong nông nghiệp sinh thái, người nông dân được đặt vào vị trí trung tâm trong chuỗi phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thông qua phát triển kinh tế, tài nguyên ở địa phương, bảo đảm sản lượng, giảm chi phí từ bên ngoài sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. 

Mặt khác, đề cao vai trò quan trọng của người nông dân bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn bản sắc, truyền thống địa phương và đổi mới phương thức canh tác, nâng cao chất lượng nông sản. Nông nghiệp sinh thái nâng cao chất lượng dinh dưỡng góp phần bảo đảm sức khỏe và phúc lợi cho tất cả mọi người, thông qua việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ. Với việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp không hóa chất và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật an toàn, nông nghiệp sinh thái làm giảm rủi ro liên quan đến việc sử dụng hóa chất, ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe người lao động ở nông thôn và người tiêu dùng.

3. Thực trạng nông nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội

Nông nghiệp sinh thái ở Hà Nội có sự gia tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái với nhiều quy mô khác nhau, như: mô hình nông nghiệp hữu cơ và thực hành nông nghiệp tốt (GAP); mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); mô hình lúa thâm canh bền vững (SRI); mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi (lúa – cá); mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái…

Trồng trọt ứng dụng GAP trên địa bàn Hà Nội có tốc độ tăng trưởng khá cả về diện tích và sản lượng. Năm 2023, thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện 18 mô hình khuyến nông sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; 3 vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 70 ha; 1 vùng trồng cây ăn quả hữu cơ với diện tích 5 ha; 23 cơ sở được cấp giấy xác nhận vùng sản xuất đang chuyển đổi hữu cơ với diện tích 242,7 ha; 12 cơ sở được cấp giấy chứng nhận chính thức vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích 69,5 ha. Hà Nội hiện có 9 vùng chăn nuôi gia cầm theo hướng hữu cơ, 88 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và tương đương về diện tích và sản lượng; 22 hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 32 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương, diện tích và sản lượng vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương là 181 ha/391 tấn/năm3

Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội4. Nông nghiệp ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai với 40 mô hình trên lúa, 30 mô hình trên cây rau màu, 20 mô hình trên cây hoa, 500 thử nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau, quả, chè, hạn chế tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong quá trình canh tác5

Thành phố Hà Nội có 11 trang trại và 4 hợp tác xã kết hợp phát triển nông nghiệp sinh thái với du dịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm làm giàu thêm kiến thức sống và nhất là được tự tay thu hái, thưởng ngoạn những sản phẩm đặc sản của địa phương6. Loại hình phát triển này đã thu hút một số lượng lớn lao động trong vùng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho nông dân địa phương.

Tuy nhiên, nông nghiệp sinh thái trên địa bàn Hà Nội còn một số hạn chế: 

Một là, tư duy sản xuất nông nghiệp sinh thái chưa phổ biến, tỷ lệ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ còn hạn chế. Thói quen canh tác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vẫn chiếm tỷ lệ cao. 

Hai là, quy mô các mô hình nông nghiệp sinh thái còn nhỏ, phân tán. Các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sinh thái còn thấp, hiệu suất đầu tư chưa cao cả về vốn, khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực. Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp sinh thái nói riêng còn nhiều yếu kém.  

Ba là, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố còn tương đối lỏng lẻo, các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái chưa được nhân rộng. Số lượng liên kết chuỗi giữa các “nhà” và giữa sản xuất và chế biến còn yếu và thiếu; cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa các chủ thể sản xuất nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp sinh thái chưa phát huy được hiệu quả cao trên thực tế.

Bốn là, thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là các trang trại hoạt động kinh doanh theo mô hình trang trại kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. 

4. Giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội

Để phát triển những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội trong phát triển ngành Nông nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để chuyển mạnh sang nông nghiệp sinh thái, cần chú ý một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị – xã hội về nông nghiệp sinh thái và vai trò của nông nghiệp sinh thái đối với phát triển bền vững.

Nông nghiệp sinh thái là một phương thức canh tác đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, khuyến khích phát triển nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội về nông nghiệp sinh thái; vai trò, lợi ích của phát triển nông nghiệp sinh thái đối với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô và các mô hình nông nghiệp sinh thái. Từ đó nâng cao trách nhiệm của người sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn và không gây hại tới môi trường. Đồng thời, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận các mô hình nông nghiệp sinh thái nhanh nhất, hiệu quả nhất tạo xu hướng phát triển chung trong ngành Nông nghiệp thành phố. Mặt khác, tuyên truyền khuyến khích người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận những sản phẩm sản xuất theo các nguyên tắc nông nghiệp sinh thái nhằm định hướng, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản sinh thái; khuyến khích và có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp sinh thái ra thị trường. 

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái.

Hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp sinh thái theo từng mô hình và theo các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương của thành phố. Các vấn đề về phát triển nông nghiệp sinh thái của thành phố cần được cập nhật để luật hóa, nhất là xác định rõ quỹ đất để phát triển theo mô hình nông nghiệp sinh thái và cập nhật trong nội dung của quy hoạch. Xây dựng, ban hành các tiêu chí gắn với từng loại nông sản sinh thái nhằm định hướng sản xuất và tiêu dùng để tạo lập niềm tin, thay đổi thói quen canh tác và sử dụng nông sản. Định hình và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất đầu vào cho nông nghiệp sinh thái như giống, khoa học – công nghệ, phân bón…; ban hành chính sách trợ giá theo lộ trình cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản sinh thái. Hoàn thiện quy định hỗ trợ vốn chuyển đổi, mở rộng sản xuất và liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể khác trong chuỗi liên kết sản xuất với nông dân (hợp tác xã, doanh nghiệp…) tiếp cận các nguồn vốn tín dụng thông qua việc bảo lãnh tín dụng, ưu đãi tín dụng.

Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản sinh thái và thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời, nghiên cứu định hướng, xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân định vị, phát triển và lan tỏa thương hiệu và xúc tiến thương mại theo phương thức hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử; xây dựng chính sách và cơ chế đặc thù hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp sinh thái gia nhập có hiệu quả vào thị trường và tham gia vào chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp sinh thái xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Ban hành các chính sách hạn chế những phương thức canh tác nông nghiệp gây tổn hạn đến môi trường đất, nước, qua đó từng bước hạn chế những tác động tiêu cực của các phương thức canh tác này đến hệ sinh thái và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp sinh thái của thành phố.

Nguồn nhân lực nông nghiệp có vai trò quyết định tới sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp sinh thái nói riêng. thành phố cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình và nâng cao chất lượng. Gắn quá trình đào tạo với quá trình sản xuất, phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực nông nghiệp sinh thái còn thiếu, yếu. Đồng thời, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt để phát huy tối đa năng lực và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo. Có cơ chế thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực và địa phương khác tham gia phát triển nông nghiệp ở thành phố. 

Tăng cường các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề theo quy định nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp theo hướng tăng số lượng, chất lượng lao động nông nghiệp sinh thái. Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội của thành phố đóng vai trò định hướng, tư vấn về nghề nghiệp, hỗ trợ và tổ chức dạy nghề, nâng cao năng lực làm việc cho lao động nông thôn. Nâng cao chất lượng dạy nghề trên cơ sở cải tiến phương pháp đào tạo sao cho phù hợp với trình độ, điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, đào tạo theo đặt hàng để đáp ứng các cơ sở sản xuất – kinh doanh nông nghiệp sinh thái. Đồng thời, tăng cường tập huấn chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống sang canh tác nông nghiệp sinh thái cả về mô hình, kỹ thuật và tổ chức sản xuất cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các hoạt động công nghệ và hoàn thiện hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp sinh thái.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về nông nghiệp sinh thái để làm rõ các nguyên lý thực hành nông nghiệp sinh thái trong các mô hình cụ thể, những tác động của nó đặc biệt dưới góc độ kinh tế và xã hội. Coi khoa học – công nghệ là động lực trực tiếp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sinh thái. Có chính sách thu hút và ứng dụng công nghệ thích hợp với phát triển nông nghiệp sinh thái, tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano, kinh tế tuần hoàn…, trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ nông sản nhằm gia tăng giá trị sản xuất. 

Phát triển nông nghiệp sinh thái cần dựa trên kết cấu hạ tầng tương ứng như hạ tầng giao thông, logistics, thủy lợi, hạ tầng điện, viễn thông và kinh tế số trong nông nghiệp. Trong đó, phát triển hệ thống đường giao thông thông suốt để vận tải kịp thời vật tư đến từng cánh đồng và trang trại chăn nuôi, kịp thời đưa nông sản đến nơi tiêu thụ, bao gồm: đường sắt, hàng không, đường sông, kho bãi, cơ sở hạ tầng logistics nhằm phục vụ lưu thông trong nước và xuất, nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp với chi phí thấp. Đồng thời, phát triển hệ thống thủy lợi tạo nền tảng cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững, có năng suất, chất lượng cao ổn định, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ sản xuất – kinh doanh nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp sinh thái. Phát triển nền tảng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử nhất là thương mại điện tử.

Thứ năm, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các chủ thể tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái

Đổi mới phương thức canh tác rất cần có sự hợp tác, tổ chức liên kết, sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, đây là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cao giá trị, tạo đầu ra cho nông sản bền vững. Vì vậy, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, có sự liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nông dân là rất quan trọng; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trước mắt, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; tiếp tục đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, tạo quỹ đất lớn liền vùng, liền thửa thuận lợi cho việc canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 44.

2. Agroecology Knowledge Hub. https://www.fao.org/agroecology/overview/en/
3. Làm gì để chuyển đổi tư duy nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam. https://vaas.vn/vi/khoa-hoc/lam-gi-de-chuyen-doi-tu-duy-nong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam
4, 6. Lâm Thị Phượng. Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn các huyện của thành phố Hà Nội. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 331 (tháng 8/2023).
5. Hà Nội ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. https://www.mard.gov.vn/Pages/ha-noi-ung-dung-chuyen-doi-so-vao-san-xuat-che-bien-tieu-thu-nong-san.aspx, ngày 09/12/2023.
7. Nguyễn Thị Kim Oanh, Đoàn Thị Ngọc Thúy, Nguyễn Thị Thu Trang (2022). Phát triển mô hình trang trại, hợp tác xã gắn với du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tạp chí Công Thương, Số 14, tháng 6/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nguyễn Thị Đào. Phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam – Thuận lợi và khó khăn. Tạp chí Phát triển bền vững vùng. T1/2016, 54 – 62.
3. Phát triển nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 28/9/2022.