Công tác vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1969 – 1975

                                                                     Thiếu tá Thái Phi
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Có nhiều yếu tố góp công vào chiến thắng vĩ đại ấy, song yếu tố then chốt, có ý nghĩa quan trọng đó là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Trung ương cục miền Nam đối với công tác vận động quần chúng. Bài viết trên cơ sở phân tích bối cảnh miền Nam nước ta giai đoạn 1969 – 1975, làm rõ âm mưu, thủ đoạn đàn áp kháng chiến của đế quốc Mỹ và tay sai, từ đó chỉ rõ vai trò lãnh đạo của Trung ương cục miền Nam đối với công tác vận động quần chúng đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ khóa: Đảng lãnh đạo; vận động quần chúng; kháng chiến chống Mỹ; Trung ương cục miền Nam.

1. Đặt vấn đề

“Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc…”1. Để có mốc son chói lọi ấy, Đảng ta mà trực tiếp là Trung ương cục miền Nam đã chú trọng lãnh đạo công tác vận động quần chúng theo từng giai đoạn cách mạng, trong đó nổi bật là giai đoạn 1969 – 1975.

2. Một số nét chính về bối cảnh miền Nam và âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ tay sai giai đoạn 1969 – 1975

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung ương cục miền Nam được Đảng giao phó chỉ đạo trên chiến trường Nam bộ và Cực Nam Tây Nam bộ (có mật danh B2). Toàn bộ vùng đất B2 sau 1954, gồm: Nam Bộ có khoảng trên 9, 10 triệu người, Cực Nam Trung Bộ có khoảng 900.000 người2 là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thuộc nhiều tôn giáo khác nhau trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cư dân B2 thuộc nhiều giai tầng khác nhau: địa chủ, tư sản, tiểu tư sản, công nhân, nông dân. Trong đó đại bộ phận là nông dân có cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả trong những năm tháng bị xiềng xích, nô lệ. Đây là chiến trường có vị trí chiến lược trọng điểm, quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Với vị trí đặc biệt, B2 trở thành địa bàn hết sức xung yếu không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn bộ nam Đông Dương. Đối với đế quốc Mỹ và tay sai, B2 là địa bàn chiến lược để tập trung nhất chủ nghĩa thực dân kiểu mới với các chiến lược và chiến thuật chiến tranh hiện đại nhất. Đối với ta, B2 là chiến trường trọng điểm của toàn miền Nam, nơi Trung ương Đảng tập trung giải quyết các vấn đề chiến lược. B2 là địa bàn thể hiện đầy đủ sự vận dụng đường lối chính trị và quân sự của Đảng ta để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Đồng thời B2 còn là nơi thể hiện trực tiếp truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.

Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968), tình hình chính trị trong giai đoạn này, nhất là ở các đô thị trên chiến trường B2 tiếp tục có những chuyển biến có lợi cho ta làm cho Mỹ – Ngụy càng bị khủng hoảng trên nhiều mặt. Để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” – đây là một hình thức chiến tranh của chiến lược toàn cầu “Răn đe” của đế quốc Mỹ (do Tổng thống Mỹ Ních Xơn khởi xướng); là chiến lược thâm độc của đế quốc Mỹ với mưu đồ “thay màu da trên xác chết”, “dùng người Việt đánh người Việt” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đồng bào lương – giáo.

Chính quyền ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ thể hiện sự rối ren, bất ổn vẫn ngoan cố bám lấy chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ, khiến cho chúng càng bị cô lập và phân hóa cao độ. Để cứu vãn tình hình chính trị, quân sự, kinh tế đang lung lay mạnh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bên cạnh những thủ đoạn lừa mị, bịp bợm, chúng ra sức tăng cường đàn áp mọi nguyện vọng hòa bình của Nhân dân, khủng bố bắt bớ tràn lan, bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ của đồng bào ta; đặc biệt chúng đang ráo riết bắt lính, đẩy sinh viên ra quân trường, đồng thời trước tình hình vật giá tăng vọt chưa từng thấy, chúng tiếp tục tăng thuế phân xuất quân bình, tăng phạt vạ, sa thải công nhân, làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân ở đô thị đã khó khăn lại càng khó khăn khăn hơn. Ở các vùng nông thôn tiếp giáp đô thị, trục giao thông, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đẩy mạnh bình định, gom dân, ủi địa hình, thẳng tay tàn phá sát hại chiến sĩ cách mạng, làm cho đời sống đồng bào ta bị xáo trộn và hết sức căng thẳng, số quần chúng bị dồn vào các khu tập trung, ấp chiến lược đang lâm vào tình cảnh khắc nghiệt nhất.

Đế quốc Mỹ và tay sai lập ra các tổ chức đảng phái, nêu cao khẩu hiệu quốc gia, độc lập, dân chủ giả hiệu, ra sức lợi dụng tôn giáo, nắm các đối tượng cầm đầu phản động trong các giáo phái, phân quyền tự trị cho từng vùng, tạo hậu thuẫn chính trị, thống nhất các lực lượng chính trị phản động, tập hợp các đảng phái, đặc biệt sử dụng Đại Việt, Quốc dân đảng; vừa lôi kéo, mua chuộc các giáo phái Cao đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo. Ở Tây Nguyên, địch ra sức tuyên truyền, lôi kéo đồng bào các dân tộc, chia rẽ người Kinh với đồng bào dân tộc tại chỗ. Ở Tây Nam Bộ, địch tập trung tuyên truyền chia rẽ người Kinh với người Khmer, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, phá vỡ tình đoàn kết dân tộc, cổ súy tinh thần “tự trị”, gây mâu thuẫn giữa đồng bào Khmer và cách mạng3. Mỹ và tay sai đã không ngừng gia tăng các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý, giành đất, giành dân, tiến hành cuộc chiến truyền thông, đánh phá khủng bố ác liệt lực lượng kháng chiến. Tất cả những việc trên đây gây ra một tình hình hết sức nghẹt thở trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào quần chúng trong các vùng địch còn kiểm soát, đặc biệt ở các đô thị, mọi người đều mong muốn quân ngụy phải được thay đổi. Tình hình đó càng đòi hỏi công tác vận động quần chúng cần phải được lãnh đạo, càng phải được đẩy mạnh để tăng cường hiệu quả cho nơi tuyến đầu đánh địch. 

3. Trung ương cục miền Nam lãnh đạo công tác vận động quần chúng ở miền Nam giai đoạn 1969 – 1975

Mặc dù chỉ trong khoảng thời gian không dài từ năm 1969 – 1975, song với quyết tâm, nỗ lực cao độ, Trung ương cục miền Nam đã chứng minh vai trò lãnh đạo công tác vận động quần chúng đúng đắn, sáng tạo, cụ thể qua một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định chủ trương lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta luôn xác định công tác vận động quần chúng, giữ vững mối quan hệ Đảng – dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân là một nhân tố quyết định thắng lợi, “Đại đoàn kết, một nhân tố rất quan trọng quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam”4 trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ chống lại kẻ thù xâm lược có tiềm lực về kinh tế, quân sự cùng với bộ máy chiến tranh khổng lồ, bộ máy tuyên truyền chính trị chuyên nghiệp. Để cổ vũ toàn quân và toàn dân ta phát huy những thắng lợi đã dành được, nhận rõ hơn những mưu đồ của đế quốc Mỹ, thừa thắng xốc tới đập tan mọi âm mưu và hành động phiêu lưu quân sự mới của chúng, nhân dịp Tết Kỷ Dậu (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Năm mới đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi, quyết đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến tới đánh cho quân Mỹ phải cút về nước, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ hoàn toàn. Cuối thư, Người có mấy vần thơ nói lên quyết tâm sắt đá của Nhân dân và kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào, Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”5.

Với quyết tâm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương cục miền Nam lần thứ 9 tháng 7/1969 đã đề ra chủ trương tăng cường công tác dân vận làm cơ sở vững chắc đẩy mạnh phong trào chính trị và binh vận tiến kịp tình hình mới: “nhiệm vụ trước mắt của phong trào chính trị là kiên quyết đẩy mạnh công tác dân vận của các cấp từ trên xuống tới chi bộ, củng cố và phát triển các đoàn thể cách mạng làm cơ sở phát triển cao trào nổi dậy và tấn công chính trị và binh vận”6. Nghị quyết xác định tăng cường chỉ đạo công tác dân vận là cái gốc để đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị và binh vận, là một yêu cầu rất cơ bản và bức thiết hiện nay để phát huy tới mức cao khả năng cách mạng to lớn của quần chúng trong mọi mặt chiến đấu và sản xuất để tiến lên giành thắng lợi quyết định, là tạo điều kiện cơ bản để tăng cường sức mạnh của ta khi chiến tranh kết thúc và sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của địch trong đấu tranh chính trị.

Thứ hai, tăng cường lãnh đạo, thực hiện công tác vận động quần chúng tại vùng đồng bào có đạo, nơi địch tập trung đàn áp, chống phá.

Công tác vận động đồng bào theo đạo Hòa Hảo được Đảng đặc biệt quan tâm. Trung ương Cục yêu cầu các tỉnh ủy, huyện ủy và các đơn vị có đồng bào theo đạo Hòa Hảo phải tiến hành chỉnh huấn lại công tác vận động tôn giáo. Công tác vận động trên một triệu tín đồ Hòa Hảo chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ đạo giành hòa bình là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách.

Công tác vận động các giai cấp cách mạng, các tầng lớp, giới như tiểu tư sản, công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức đấu tranh được đẩy mạnh gắn với các khẩu hiệu thiết thực: chống càn quét, bắn giết bừa bãi, chống bắt lính, chống văn hóa phẩm đồi truỵ, xây dựng văn hóa dân tộc. Cùng với đó Trung ương cục miền Nam phát động cao trào cách mạng dưới khẩu hiệu “Hòa bình – Dân chủ – Cơm áo – Hòa hợp dân tộc”. Nó đã thể hiện những nguyện vọng sâu xa và bức thiết nhất của quần chúng, phản ánh những yêu cầu cơ bản và cấp bách của cách mạng, đồng thời cũng là một đòn tấn công đánh thẳng vào những âm mưu ý đồ trước mắt và lâu dài của địch.

Thứ ba, lãnh đạo công tác vận động quần chúng phải bảo đảm tính toàn diện, đưa các phong trào nhỏ lẻ phát triển thành cao trào cách mạng rộng rãi.

Trung ương cục miền Nam đã xây dựng các đề án về công tác thanh vận, phụ vận, nông vận, Mặt trận… để tập hợp, phát huy sức mạnh của các lực lượng trong đấu tranh chống đế quốc Mỹ, ra sức giáo dục tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh và xây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng phong trào, ngăn chặn đẩy lùi các chính sách đàn áp, bóc lột của địch, tạo điều kiện tiến lên cao trào ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam. Trung ương cục miền Nam cũng đã nhấn mạnh muốn đánh bại chính sách bình định của địch, tạo điều kiện thuận lợi để tiến lên lật đổ ngụy quân, ngụy quyền, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, phải nắm vững ba quan điểm về công tác vận động quần chúng. Các tổ chức “Lực lượng hòa giải và hòa hợp dân tộc”, “Mặt trận nhân dân cứu đói”, “Ủy ban đấu tranh đòi thả tù chính trị” lần lượt ra đời. Cùng với đó là đẩy mạnh các cuộc bãi công của công nhân, trong đó tiêu biểu có cuộc tổng bãi công của 10 vạn công nhân Sài Gòn ngày 25/5/1971; cuộc mít tinh của  hơn 1.000 đại biểu phong trào phụ nữ đòi quyền sống. Ủy ban nhân dân tranh thủ hòa bình; Nghiệp đoàn 36 chợ Đô Thành ngày 10/01/1971.

Trong tháng 5 và 6/1971, tổ chức “Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình” tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân thành thị, thành lập ở Sài Gòn đã phát triển nhanh ra các thành phố, thị xã khác, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở các đô thị chống chế độ thực dân mới của Mỹ. Những hình thức thống nhất hành động và các phong trào liên hiệp đấu tranh đã dồn ngụy quyền vào tình thế hoàn toàn bị cô lập.

Thứ , phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở trong vận động, tập hợp quần chúng nhân dân.

Xuyên suốt các chặng đường kháng chiến, các cán bộ, đảng viên, cơ sở đảng luôn được Nhân dân nuôi dưỡng che giấu để bám đất, bám dân. Cán bộ phụ trách xây dựng cơ sở đã làm tốt công tác phát triển lực lượng chính trị ngay trong hệ thống bộ máy của địch, lực lượng ta “bám thắt lưng địch mà đánh”, hình thành nên các “vành đai diệt Mỹ” làm cho kẻ địch bất an ngay cả trong căn cứ. Thông qua cuộc vận động quần chúng đấu tranh cho các quyền lợi thiết thân đòi giải quyết đời sống kết hợp với các mặt đấu tranh khác mà ra sức tập hợp lực lượng quần chúng từng xóm ấp, từng khu phố, từng xí nghiệp, chợ búa, trường học, từng ngành và từng giới nhằm hình thành những phong trào đấu tranh rộng lớn có sức mạnh ngăn chặn đẩy lùi những âm mưu chính sách phản động của địch.

Nắm vững chủ trương trên, xuyên suốt những năm tháng kháng chiến, với mọi điều kiện hoàn cảnh, dưới sự lãnh đạo của Trung ương cục miền Nam các cấp ủy đảng trên địa bàn B2 luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, quyết giành thắng lợi trong cuộc chiến giành đất giành dân, xây dựng lực lượng cách mạng, động viên các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, đấu tranh. Ngay khi bước vào cuộc đấu tranh, trong bối cảnh tình hình khó khăn thách thức, Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng trên toàn miền Nam xác định nhiệm vụ bảo vệ quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng, tăng cường thực lực đấu tranh là vấn đề rất cơ bản, đấu tranh chính trị là một mũi giáp công.

Thứ năm, vai trò lãnh đạo công tác vận động quần chúng của Trung ương cục miền Nam tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc thống nhất đất nước.

Làm tốt công tác vận động quần chúng, ta đã liên tục giành thắng lợi trong cuộc chiến giữ đất, giành dân: Nhân dân giữ vững tinh thần đấu tranh, đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận kết hợp thành 3 mũi giáp công tấn công kẻ thù trên cả 3 vùng chiến lược. Các cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân liên tục diễn ra; các vùng căn cứ kháng chiến không ngừng được mở rộng và giữ vững. Được sự giúp đỡ của nhân dân, bốn vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công anh dũng ngày đêm mở đường phía Tây Trường Sơn, hoàn thành xây dựng “tuyến đường kín” từ tây Trị – Thiên đến Hạ Lào dài 1.200 km. Thanh niên khắp nơi hăng hái gia nhập các lực lượng vũ trang, các bến bãi đón nhận vũ khí, kỹ thuật được vận tải qua đường Hồ Chí Minh trên biển được tổ chức an toàn. Khả năng huy động hậu cần tại chỗ không ngừng được tăng cường.

Trong năm 1973, quân và dân miền Nam đã làm chủ 8.590 ấp chiến lược với 4 triệu dân. Phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam đòi thi hành Hiệp định Pari, đòi dân sinh, dân chủ phát triển mạnh mẽ, phong trào đấu tranh chính trị đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức bắt đầu nhen nhóm trong các tôn giáo và đảng phái ở miền Nam. Thắng lợi toàn diện trong năm 1973 đã tạo đà và đặt nền tảng cho bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị miền Nam phát triển đòi Mỹ – ngụy phải thi hành Hiệp định Pa ri, phong trào học sinh, sinh viên phát triển mạnh với các chủ đề: “Đêm không ngủ”, “Đêm căm hờn”, “Đêm cầu nguyện cho hòa bình”, “hát cho đồng bào tôi nghe”… Được sự đóng góp của Nhân dân, tổng số hàng hóa được khai thác, thu mua tại chỗ từ năm 1964 đến năm 1975 là: lương thực 613.182 tấn; thực phẩm 86.197 tấn; xăng dầu 23.663 tấn; các loại khác 31.812 tấn. Quân và dân miền Nam từ năm 1961 – 1975 đã tiêu diệt 58.191 quân Mỹ, tiêu diệt, bắt và làm bị thương 4.251.300 quân ngụy.

Công tác vận động quần chúng được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực và trong đại đa số quần chúng nhân dân đã góp phần động viên đến mức cao nhất sức người, sức của đối với tiền tuyến lớn miền Nam và làm hậu thuẫn vững chắc cho quân và dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Công tác vận động quần chúng đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đến thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi to lớn đó đã làm phá sản chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho chủ nghĩa xã hội, cổ vũ động viên phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ trên phạm vi thế giới. 

4. Kết luận

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là thắng lợi của một chiến lược đầy sức mạnh và là một chiến lược mà chưa xuất hiện một đối trọng nào chống lại được một cách thành công. Nhờ chú trọng lãnh đạo công tác vận động quần chúng của Đảng và Trung ương cục miền Nam nên đã thu hút, tập hợp được đông đảo nhân dân trong nước và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr. 471.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Tổng kết chiến tranh B2. Báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Nam Bộ và Cục Nam Trung Bộ, 1979, VL.1231/2, tr. 28.
3. Huyện ủy Châu Thành. Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Thành (1930-1975). Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, Trà Vinh, 1999, tr. 220.
4. Nguyễn Quý. Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, tr. 576.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 532.
6. Văn kiện Trung ương cục miền Nam. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020, tr. 460.
7. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 thắng lợi và bài học. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2000, tr. 565.