Phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân với nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương từ thực tiễn TP. Hồ Chí Minh

TS. Bùi Ngọc Hiền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương làm việc theo chế độ tập thể kết hợp với cá nhân phụ trách, nhằm mục đích sử dụng hiệu quả quyền lực, trách nhiệm tập thể với quyền lực, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu và các cá nhân thành viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn còn nhiều bất cập có tính cấp thiết. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tổ chức thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số kiến nghị để phân định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ khóa: Phân định nhiệm vụ, quyền hạn; Ủy ban nhân dân; chủ tịch Ủy ban nhân dân; thành phố trực thuộc Trung ương; TP. Hồ Chí Minh.

1. Quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương

Các cơ quan hành chính nhà nước nước ta có thẩm quyền chung (Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND)) làm việc theo chế độ tập thể kết hợp với cá nhân phụ trách. Về bản chất, mô hình này nhằm mục đích sử dụng hiệu quả quyền lực, trách nhiệm tập thể với quyền lực, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và các cá nhân thành viên. Đối với UBND các cấp, đặc biệt là UBND cấp tỉnh, tuy hệ thống pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chủ tịch UBND, thành viên UBND thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố) không ngừng hoàn thiện nhưng tính phù hợp và việc tổ chức thực hiện hai nhóm quyền lực này trên thực tiễn còn nhiều bất cập, chưa thực chất, hiệu quả1

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố trực thuộc Trung ương và nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND thành phố. UBND thành phố làm việc theo chế độ tập thể và thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản:

(1) Xây dựng, trình thông qua và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố.

(2) Tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản quản lý của cơ quan nhà nước cấp trên.

(3) Thực hiện quản lý hành chính theo thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước Trung ương phân cấp, ủy quyền; đồng thời, phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp dưới, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

(4) Thực hiện chủ trương, biện pháp tạo nguồn tài chính, huy động vốn để phát triển đô thị; xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị.

(5) Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển hạ tầng đô thị.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định UBND họp thường kỳ mỗi tháng một lần và họp bất thường trong các trường hợp: (1) Do chủ tịch UBND thành phố quyết định; (2) Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; (3) Theo yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên UBND; đồng thời, thành viên UBND thành phố có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của UBND, nếu vắng mặt phải báo cáo và được chủ tịch UBND thành phố đồng ý.

Chủ tịch UBND thành phố thực hiện các nhóm nhiệm vụ:

Thứ nhất, lãnh đạo, điều hành hoạt động, công việc của UBND, thành viên UBND; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; quyết định cụ thể ngày họp, chương trình, nội dung và chủ trì phiên họp của UBND thành phố. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, HĐND và UBND thành phố…

Thứ hai, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước; chỉ đạo UBND cấp huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ủy quyền cho phó chủ tịch UBND thành phố hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước Trung ương phân cấp, ủy quyền.

Thứ ba, chỉ đạo, tổ chức xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị, như: (1) Xây dựng hạ tầng đô thị; (2) Quản lý, bảo vệ không gian, kiến trúc đô thị; (3) Sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị; (4) Bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; (5) Xây dựng hạ tầng đô thị; (5) Biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ; (7) Chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh trật tự và an toàn xã hội; (6) Xây dựng kế hoạch và biện pháp giải quyết việc làm, phòng, chống các tệ nạn xã hội. 

Thứ tư, quản lý và tổ chức sử dụng hiệu quả các nguồn lực bảo đảm hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước và sự phát triển của thành phố, như: (1) Công sở, tài sản, các phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao; (2) Quỹ đất, quản lý và sử dụng đất phục vụ xây dựng công trình hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị, quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của thành phố để phát triển nhà ở đô thị; (3) Hoạt động kinh doanh bất động sản; (4) Phân bổ dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị…

Thứ năm, tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân.

2. Quy định của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Hồ Chí Minh (Thành phố) là đô thị đặc biệt, lớn nhất, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Thành phố có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện với diện tích 2.095 km2, dân số 9.840.800 người2; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. Sự phát triển của Thành phố luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển chung của cả nước: “hằng năm, Thành phố đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GRDP của quốc gia”3.

Với quy mô của một siêu đô thị, khối lượng, tần suất các nhiệm vụ quản lý, tổ chức phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố cao hơn các thành phố khác và cao hơn nhiều tỉnh. Cùng với đó, kinh tế – xã hội của Thành phố có tốc độ phát triển nhanh, nhạy cảm với những trạng thái của kinh tế thế giới luôn phát sinh các vấn đề mới, phức tạp. Thực tế này đặt ra những thách thức và đòi hỏi chính quyền Thành phố, đặc biệt là UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố luôn phải có kế hoạch cụ thể, kịp thời đưa ra các phản ứng chính sách hay xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, hiệu quả.

Từ năm 2021, Thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được bổ sung cho UBND, Chủ tịch UBND Thành phố. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền, đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã làm cho khối lượng công việc, nhiệm vụ của UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố ngày càng gia tăng, trong đó nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp đòi hỏi sự chuyên tâm để kịp thời xử lý.

Ngay đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND Thành phố đã ban hành Quy chế làm việc của UBND Thành phố kèm theo Quyết định số 52/2021/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 về Quy chế làm việc của UBND TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2026. Có thể nói, Quy chế làm việc của UBND Thành phố tương đối toàn diện, bao quát các vấn đề trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố và các thành viên UBND Thành phố nhưng cũng bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng. Trong đó, Quy chế xác định nguyên tắc: “Ủy ban nhân dân Thành phố làm việc theo chế độ kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và từng thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố”; “Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, phát huy trách nhiệm nêu gương. Trong phân công giải quyết công việc, mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị, một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt. Cấp trên không làm thay công việc của cấp dưới, tập thể không làm thay công việc của cá nhân và ngược lại”4. Đồng thời, Quy chế quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của UBND Thành phố; trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chủ tịch UBND Thành phố, các phó chủ tịch UBND Thành phố, các ủy viên UBND Thành phố, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND Thành phố, Chánh Văn phòng UBND Thành phố. 

Trong các quyết định phân công công tác Chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên UBND Thành phố cũng quy định nhất quán nguyên tắc: “các phó chủ tịch chịu sự phân công của Chủ tịch; thay mặt Chủ tịch quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước Chủ tịch và trước pháp luật đối với nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi, chỉ đạo… Chủ tịch không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc đã phân công phó chủ tịch”5. Đồng thời, Quy chế cũng quy định đối với những vấn đề không nhất thiết phải tổ chức thảo luận tập thể hoặc vấn đề cấp bách không có điều kiện họp UBND Thành phố thì theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố gửi toàn bộ hồ sơ, đề án và phiếu lấy ý kiến đến từng thành viên UBND Thành phố để xin ý kiến. Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các thành viên UBND Thành phố phải có trách nhiệm phản hồi. Sau thời hạn trên, các thành viên chậm ý kiến sẽ được ghi nhận là thống nhất với nội dung cần xin ý kiến.

Để bảo đảm quản lý toàn diện với khối lượng công việc đồ sộ theo chức năng, nhiệm vụ, UBND Thành phố đã quy định một cách rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND và các thành viên UBND Thành phố. Tuy nhiên, với việc gia tăng công việc, nhiệm vụ từ thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 cùng các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp  thì quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND và các thành viên UBND Thành phố càng trở nên cần thiết, cấp bách…

3. Một số vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương

Nếu xét theo thời gian, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và chủ tịch UBND thành phố ngày càng được phân định rõ ràng. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện hai nhóm nhiệm vụ, quyền hạn này vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện do có vấn đề sau:

Thứ nhất, với khối lượng, tần suất và mức độ phức tạp của các vấn đề đô thị, nếu không được phân định rõ ràng, nhiều vấn đề quản lý không được giải quyết kịp thời, hiệu quả, sẽ kéo theo các hệ lụy khác.

Thứ hai, khi khối lượng công việc nhiều, được phân công cho từng thành viên UBND thành phố theo lĩnh vực, chuyên môn khác nhau, thậm chí là khác biệt, việc tham gia thảo luận, biểu quyết của các thành viên UBND thành phố đối với các vấn đề không thuộc lĩnh vực quản lý có thể sẽ không hiệu quả. Cùng với đó, do sức ép thời hạn đóng góp ý kiến ngắn, thiếu thời gian nghiên cứu, tham vấn về vấn đề cần thảo luận, biểu quyết nên có thể có những thành viên UBND thành phố biểu quyết theo kiểu hình thức, chủ yếu dựa theo ý kiến của chủ tịch UBND thành phố.

Thứ ba, cùng với quá trình phát triển nhanh của kinh tế – xã hội đô thị, nhiều vấn đề phát sinh, diễn biến nhanh, phức tạp, phi truyền thống, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn chuyên sâu cùng kỹ năng giải quyết linh hoạt, hiệu quả. Thực tế này đặt ra câu hỏi về tính phù hợp, đúng đắn của các quyết nghị tập thể UBND thành phố đối với việc giải quyết các vấn đề trên.

Thứ tư, có thể xuất hiện tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể UBND thành phố trong giải quyết những việc khó, vấn đề phức tạp vốn thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ của chủ tịch UBND, ủy viên UBND thành phố. Bên cạnh đó, tình trạng “tập thể hình thức”, “xuôi chiều” theo quyết định của chủ tịch UBND thành phố trong các quyết nghị tập thể cũng có thể xảy ra. Nếu xảy ra tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các quyết định tập thể; giảm tính chủ động, trách nhiệm của các thành viên UBND thành phố.

Thứ năm, thực tiễn cho thấy, một số vụ việc, nhiệm vụ cụ thể của tập thể UBND thành phố đã được thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố, ban cán sự Đảng UBND thành phố đã thảo luận, quyết nghị về mặt chủ trương, thậm chí đã quyết định về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ – giải pháp thực hiện. Như vậy, đối với các vụ việc, nhiệm vụ này, việc thảo luận, quyết nghị của tập thể UBND thành phố có thể mang tính hình thức.

4. Một số kiến nghị, đề xuất để phân định rõ hơn và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Đồng thời, đề ra yêu cầu phải “xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền”6. Quan điểm chỉ đạo này đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều cơ hội, cũng như những thách thức đối với chính quyền các đô thị trong quản lý, tổ chức phát triển. Thực tế này dẫn đến: (1) Khối lượng, tần suất công việc, nhiệm vụ nhiều, đòi hỏi phải phân định rõ ràng quyền hạn, nhiệm vụ trong quản lý, điều hành, nếu không sẽ bị “che phủ” bởi các công việc, nhiệm vụ mới; (2) Yêu cầu nhận diện chính xác, giải quyết và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh của đô thị; (3) Bảo đảm tính chủ động trong phản ứng chính sách cũng như đưa ra các quyết định quản lý đô thị kịp thời, hiệu quả; (4) Bảo đảm quyền lợi, vai trò trung tâm của người dân đô thị. Do đó, phân định và tổ chức thực hiện hiệu quả nhóm quyền hạn, nhiệm vụ của tập thể UBND thành phố và nhóm quyền hạn, nhiệm vụ của chủ tịch UBND thành phố có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Một là, xác lập cụ thể, nhất quán nguyên tắc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa của UBND thành phố với chủ tịch UBND thành phố và thành viên UBND thành phố.

Nguyên tắc này cần thể hiện:

– Quyền hạn, nhiệm vụ của UBND thành phố tập trung vào việc quyết định tập thể chủ trương, chính sách, nhiệm vụ – giải pháp cơ bản trong tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật, quyết định của cấp trên, nghị quyết của HĐND thành phố; tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện quản lý, phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đó, UBND thành phố quyết định tập thể về: (1) Xây dựng các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ – giải pháp cơ bản trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị; (2) Quyết định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ – giải pháp xây dựng hệ thống hành chính nhà nước; (3) Phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cấp trên phân cấp, ủy quyền.

– Quyền hạn, nhiệm vụ của chủ tịch UBND thành phố tập trung thực hiện vai trò chỉ huy hệ thống hành chính nhà nước; xử lý các nhiệm vụ, vấn đề phát sinh trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, quyết định của cấp trên, nghị quyết của HĐND thành phố, quyết nghị của UBND thành phố. Chủ tịch UBND thành phố thực hiện: (1) Lãnh đạo UBND thành phố; tham gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố; (2) Quản lý và chỉ đạo hệ thống hành chính nhà nước của thành phố; (3) Chỉ đạo, điều hành các hoạt động thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên, nghị quyết của HĐND thành phố, quyết định của UBND thành phố; (4) Quản lý, tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị; (5) Chỉ đạo giải quyết những tình huống đột xuất, cấp bách; (6) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân.

 Thành viên UBND thành phố: (1) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố; (2) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên UBND thành phố; (3) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được chủ tịch UBND thành phố ủy quyền, phân cấp.

Hai là, quy định nhất quán nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ba chủ thể: tập thể UBND thành phố; chủ tịch UBND thành phố; thành viên UBND thành phố trong các văn bản quy phạm pháp luật.

UBND thành phố làm việc theo chế độ tập thể đối với ba nhóm nhiệm vụ, quyền hạn: (1) Quyết định các chủ trương, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trong các dự thảo nghị quyết trình HĐND thành phố; quyết định cơ chế, các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố; (2) Quyết định các cơ chế, nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật; quản lý, huy động các nguồn lực và tổ chức phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị; (3) Tổ chức bộ máy thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước; phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp dưới, các cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước ở Trung ương phân cấp, ủy quyền.

Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn: (1) Lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND thành phố; (2) Chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của hệ thống hành chính nhà nước; (3) Chỉ đạo, phân cấp, ủy quyền, giao việc và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các cá nhân trong hệ thống hành chính nhà nước; (4) Chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch; (5) Huy động nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị; (6) Bảo đảm an toàn, trật tự đô thị, phòng, chống tệ nạn xã hội; xử lý các vấn đề phát sinh; (8) Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kiểm soát hệ thống hành chính nhà nước và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân; (9) Thực hiện vai trò đại diện hệ thống hành chính nhà nước thành phố trong đối nội, đối ngoại.

Thành viên UBND thành phố: thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên UBND thành phố; các nhiệm vụ, quyền hạn được UBND thành phố giao và chủ tịch UBND thành phố ủy quyền, phân cấp.

Ba là, vận dụng mô hình thị trưởng và tổ chức và hoạt động của UBND thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ thể chế chính trị của nước ta, nên vận dụng những điểm ưu việt của mô hình thị trưởng vào tổ chức và hoạt động của UBND Thành phố, trước mắt, có thể thí điểm thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như các cơ chế thực hiện để vận dụng theo một trong hai phương án:

(1) UBND thành phố được tổ chức như Hội đồng thị trưởng (có thể mang tên là Ủy ban Hành chính thành phố), quyết định tập thể về chủ trương, định hướng, mục tiêu và những giải pháp cơ bản trong tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND thành phố; quy hoạch, phát triển và quản trị đô thị. Chủ tịch thành phố do HĐND thành phố bầu, là người thừa hành thực hiện những quyết nghị của Ủy ban Hành chính thành phố, thống lãnh và điều hành hệ thống hành chính nhà nước thành phố theo chế độ thủ trưởng; đề nghị HĐND bầu phó chủ tịch thành phố; bổ nhiệm hoặc phân cấp bổ nhiệm các chức danh trong hệ thống hành chính nhà nước thành phố.

(2) Ủy ban Hành chính thành phố gồm chủ tịch thành phố, các phó chủ tịch thành phố (không có các thành viên UBND thành phố như hiện nay) do HĐND thành phố bầu và làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch thành phố thống lãnh và điều hành hệ thống hành chính nhà nước thành phố, tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND thành phố; quy hoạch, phát triển và quản trị đô thị; bổ nhiệm hoặc phân cấp bổ nhiệm các chức danh trong hệ thống hành chính nhà nước thành phố.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện hai nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố và chủ tịch UBND thành phố

Bên cạnh việc quy định tường minh quyền hạn, nhiệm vụ của UBND thành phố và nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND thành phố, thành viên UBND thành phố, các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần quy định rõ hơn cơ chế tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trên. Nhóm quy định này cần tập trung xác lập rõ: (1) Mối quan hệ giữa UBND thành phố với chủ tịch UBND thành phố và thành viên UBND thành phố; (2) Chế độ làm việc của UBND, chủ tịch UBND và thành viên UBND thành phố; (3) Cơ chế phân cấp, ủy quyền, giao quyền; (4) Cơ chế xử lý các tình huống, vấn đề phát sinh mới hay xung đột quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm (nếu có) giữa UBND thành phố với chủ tịch UBND thành phố và thành viên UBND thành phố; (5) Cơ chế đánh giá, kiểm soát trong hệ thống hành chính thành phố; (6) Cơ chế về tư vấn, tham vấn trong thực hiện nhiệm vụ…

Chú thích:
1. Nguyễn Nghị Thanh. Một số mô hình hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước/Tài liệu Hội thảo “Thực tiễn thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong hoạt động của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp ở Việt Nam hiện nay. Học viện Hành chính Quốc gia, 2023, tr. 17 – 20; Nguyễn Minh Phương “Một số mô hình hoạt động của Chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong việc thực hiện thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò người đứng đầu trong hoạt động của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp”. Tài liệu Hội thảo “Thực tiễn thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong hoạt động của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp ở Việt Nam hiện nay. Học viện Hành chính Quốc gia, 2023, tr. 43 – 59.
2. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê năm 2021. H. NXB Thống kê, ngày 01/8/2022.
3. TP. Hồ Chí Minh đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. https://tphcm.dangcongsan.vn, ngày 14/6/2023.
4. Quyết định số 52/2021/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
5. Quyết định số 5757/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về phân công công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các ủy viên Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 179.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.