Phát huy vai trò của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp trong đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình

Trung tá Phạm Văn Hưng
Thiếu tá Hoàng Ngọc Dương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, đại bộ phận quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội bước đầu đã thực hiện tốt vai trò của mình trong đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, một bộ phận quân nhân chuyên nghiệp còn hạn chế cả về nhận thức và khả năng đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Để phát huy vai trò của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có những giải pháp phù hợp.

Từ khóa: Quân nhân chuyên nghiệp; đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”.

1. Đặt vấn đề

“Diễn biến hòa bình” là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được tiến hành để chống phá, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, trong đó chúng xác định Việt Nam là một trọng điểm. Bản chất của “diễn biến hòa bình” hiện nay là hoạt động của các thế lực đế quốc tư bản lớn và cường quyền nhằm vào các nước có chế độ chính trị mà họ coi là không phù hợp với lợi ích của họ, bằng tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, an ninh… để chuyển hóa chế độ chính trị của các nước này theo quỹ đạo có lợi cho họ. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đây là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức, các lực lượng, trong đó có đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp. 

2. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp Quân đội

Quân nhân chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ nhất định trong tổng quân số cán bộ, chiến sĩ toàn quân, là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các hoạt động khác ở các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, đại bộ phận quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhận thức cơ bản về “diễn biến hòa bình” và đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; bước đầu đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giữ vững ổn định tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hòan thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, một bộ phận quân nhân chuyên nghiệp còn hạn chế cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, kiến thức, kinh nghiệm hạn chế; còn lúng túng trong lồng ghép, gắn kết các nội dung đấu tranh trong một số hình thức, nội dung hoạt động ở đơn vị; việc gắn kết giữa đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khả năng nhận diện và đấu tranh trên không gian mạng và một số phương tiện truyền thông khác còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới đặt ra yêu cầu điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, từ năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn quân có bước phát triển mới, nặng nề hơn, diễn ra trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược, xung đột diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng gay gắt hơn.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chỉ ra: trong nước tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp; “các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường hoạt động chống phá toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, tư tưởng, văn hoá…, lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”, tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm, niềm tin, thái độ, trách nhiệm, văn hoá, lối sống của mỗi quân nhân nói chung và đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp nói riêng, làm phai nhạt bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tác động đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

3. Một số giải pháp cơ bản phát huy vai trò của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” 

Một là, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”.

Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chủ động nắm bắt và quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá; Chỉ thị số 823-CT/QUTW ngày 10/9/2017 của Quân uỷ Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá trong Quân đội; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Đề án Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá trong tình hình mới ngày 16/5/2019 của Bộ Quốc phòng… 

Trên cơ sở tổ chức quán triệt sâu rộng và kịp thời trong toàn đơn vị; có quy chế, quy định cụ thể, phân công, giao nhiệm vụ cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị. Chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp cần trực tiếp bồi dưỡng cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp những nội dung quan trọng, cấp thiết; phổ biến những kinh nghiệm thiết thực liên quan đến đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp ở đơn vị; quan tâm tạo điều kiện về thời gian, lực lượng, phương tiện và kinh phí cho hoạt động đấu tranh. Đối với cơ quan chính trị phải thường xuyên nghiên cứu sâu quan điểm của Đảng, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên liên quan đến vấn đề này; bám sát đặc điểm tình hình nhiệm vụ của đơn vị, cụ thể hoá thành các hướng dẫn giúp đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” có hiệu quả.

Hai là, tăng cường bồi dưỡng nội dung, phương pháp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp. 

Để hoạt động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp đạt được hiệu quả thiết thực, đòi hỏi công tác bồi dưỡng phải mang tính toàn diện, trong đó cần chú trọng bồi dưỡng và mở rộng tri thức lý luận chính trị – xã hội, nhất là những quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; cập nhật những thông tin mới về tình hình chính trị – xã hội; những biến đổi mới của chiến lược “diễn biến hòa bình”; bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị; kỹ năng khai thác, sử dụng mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông phổ biến. Nội dung bồi dưỡng cần đổi mới theo hướng chú trọng củng cố, mở rộng tri thức đã có gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Chú trọng bồi dưỡng cả phương pháp đấu tranh trực tiếp lẫn gián tiếp, cả trên phương diện phòng và chống, song trọng tâm vẫn là đấu tranh phòng và đấu tranh gián tiếp. Cần chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch. Các hình thức, biện pháp bồi dưỡng phải vừa phù hợp với đặc điểm nhận thức của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp vừa phù hợp với tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Phát huy có hiệu quả các hình thức, biện pháp, như: tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, thông tin thời sự có sự hướng dẫn, giúp đỡ của Ban Chỉ đạo 35; tổ chức các buổi trao đổi, rút kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; khuyến khích đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp tham gia vào một số hoạt động của Lực lượng 47; thực hiện tốt nội dung thông báo chính trị – thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình ở đơn vị; bồi dưỡng thông qua phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. 

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp trong tự học tập, tự rèn luyện nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. 

Mỗi đồng chí quân nhân chuyên nghiệp cần nhận thức rõ ràng, việc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” là thể hiện trách nhiệm lớn lao của bản thân đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và Quân đội. Chỉ như vậy mới thực sự tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động ở mỗi quân nhân chuyên nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. 

Mặt khác, cần phải nhận thấy rằng đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” là một hoạt động khó khăn, phức tạp, luôn luôn biến động không ngừng, nếu không thường xuyên trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng, cũng cố phẩm chất cá nhân thì năng lực đấu tranh ấy của mỗi người sẽ bị tụt hậu so với yêu cầu của thực tiễn, cùng với đó là những tri thức, kinh nghiệm đã có cũng sẽ bị mai một dần theo thời gian. Do vậy, để làm tròn trách nhiệm của mình trên mặt trận đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, mỗi đồng chí quân nhân chuyên chuyên nghiệp phải không ngừng nỗ lực tự học tập, rèn luyện, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa là mục tiêu, vừa là cách thức cảu chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch tiến hành; ngược lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa là sự tiếp nhận tự giác của đối tượng bị tác động, vừa là hệ quả của hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chính vì vậy mỗi quân nhân chuyên nghiệp cần nhận thức đúng bản chất của tự học, tự rèn luyện để nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. 

Hướng dẫn cho họ biết gắn kế hoạch tự học với kế hoạch công tác và thông qua từng nhiệm vụ cụ thể để biết cách tự học tập, tự rèn luyện từ thực tiễn công tác. Phát huy phong trào tự học tập, tự rèn luyện sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo quân nhân chuyên nghiệp tham gia; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và thời gian cần thiết, quan tâm tới lợi ích vật chất và tinh thần chính đáng cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp để họ tự học tập, tự rèn luyện có hiệu quả; đồng thời, tích cực phát hiện, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến và khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích về công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. 

4. Kết luận

Phát huy vai trò của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” là yêu cầu khách quan, cần thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để thực hiện quá trình này hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, cần quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và bám sát sự biến đổi của tình hình, nhiệm vụ đấu tranh tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay; phải có nội dung toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm với những hình thức, biện pháp đa dạng; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và hướng đến việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của các đồng chí quân nhân chuyên nghiệp. Theo đó, để phát huy vai trò của đội ngũ này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ vấn đề nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đến công tác bồi dưỡng ở các đơn vị và phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi đồng chí quân nhân chuyên nghiệp. 

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương. Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 298.
2. Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên). Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới (xuất bản lần thứ hai). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.