Giải pháp nâng cao tự tin sử dụng công nghệ cho giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số

ThS. Đào Văn Hân
Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã khảo sát 370 giảng viên từ tháng 3/2023 đến tháng 10/20231. Kết quả cho thấy, giảng viên chưa tự tin trong việc sử dụng công nghệ, đặc biệt là trong việc sáng tạo nội dung số. Mặt khác, giảng viên nam thường tự tin hơn so với nữ, nhưng cả hai đối tượng này đều được đánh giá cao về kỹ năng thông tin và dữ liệu. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất 5 giải pháp để nâng cao tự tin sử dụng công nghệ cho giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số.

Từ khóa: Tự tin sử dụng công nghệ; năng lực số; giảng viên; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; chuyển đổi số.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, cùng với việc thông tin, dữ liệu được tạo ra theo cấp số nhân thì vấn đề khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thông tin, phương tiện kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người trở nên bức thiết (Alt, 2018). Bên cạnh đó, việc sử dụng thành thạo các hệ thống kỹ thuật số đã trở thành một kỹ năng quan trọng đối với hầu hết các mặt trong đời sống, bao gồm giáo dục và các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc áp dụng công nghệ số trong giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên là không thể tránh khỏi. Theo đó, tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-ĐU ngày 22/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về xây dựng mô hình đại học tiên tiến theo xu hướng thế giới bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thể hiện sức mạnh hệ thống, đồng thời tạo môi trường thúc đẩy, tăng cường tính liên thông, gắn kết, tương tác, hỗ trợ trong hệ thống đa dạng trên nền tảng tự chủ đại học và tối ưu hóa các nguồn lực, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong toàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm giảng viên

Điều 70 Luật Giáo dục năm 2015 quy định: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và cơ sở giáo dục khác gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng gọi là giảng viên”.

Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm có 8 cấp, từ giáo dục mầm non đến đào tạo tiến sĩ, trong đó cơ sở giáo dục đại học bao gồm: trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng; đại học, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học; đào tạo trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép; viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sỹ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sỹ khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Đối với cơ sở giáo dục nghề bao gồm: trường trung cấp chuyên nghiệp; trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề). Như vậy, giảng viên là những nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, cao đẳng nghề; đại học, trường đại học và học viện và không phải bất cứ nhà giáo nào cũng là giảng viên, nhưng đã là giảng viên thì trước hết họ phải là nhà giáo và phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một người nhà giáo.

Điều 54 Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định tiêu chuẩn về người giảng viên như sau: “Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật Giáo dục; chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư; trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên”.

2.2. Khái niệm tự tin sử dụng công nghệ

Trong bối cảnh mới hiện nay, đo lường khái niệm tự tin về sử dụng công nghệ không chỉ dừng lại ở những khía cạnh hẹp, ví dụ: sử dụng máy tính, điều hướng thông tin, vận hành thiết bị, kỹ năng internet…mà nó phải là một khái niệm tổng quát, rộng lớn hơn (Ulfert & Schmidt, 2022). Gần đây, nhiều nghiên cứu đã đề xuất những phương pháp tiếp cận đầu tiên bao gồm các đo lường về năng lực số được đề xuất bởi DigComp (Lucas & cộng sự, 2022). Tuy nhiên, trong khi những thang đo lường này liên quan đến năng lực số, chúng không đại diện cho các thang đo tự tin về năng lực bản thân (Marsh & cộng sự, 2017).

Khái niệm tự tin về sử dụng công nghệ theo cách hiểu này bao gồm những cấu trúc đa chiều và mở rộng chúng bằng cách xem xét niềm tin của cá nhân vào việc sử dụng các công cụ và công nghệ số. Tự tin về sử dụng công nghệ cung cấp một khung tổng thể hơn cho việc hiểu về khả năng của cá nhân hoạt động hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số. Bằng cách hiểu mối quan hệ đa chiều giữa các yếu tố cấu thành tự tin về sử dụng công nghệ sẽ giúp các nhà nghiên cứu và quản lý có thể hiểu rõ hơn cách phát triển và nâng cao kỹ năng và năng lực số cho cá nhân trong tổ chức.

Như vậy, nội hàm khái niệm tự tin về sử dụng công nghệ có thể hiểu ở nhiều góc độ khác nhau, và nó là một khái niệm phức tạp, đa dạng. Tóm lại, tác giả sử dụng khái niệm tự tin về sử dụng công nghệ “là niềm tin của một cá nhân vào khả năng sử dụng hiệu quả các hệ thống và công nghệ kỹ thuật số, được đo lường theo cấu trúc đa chiều với năm nhân tố khác nhau như: năng lực thông tin dữ liệu; sáng tạo nội dung số; giao tiếp và hợp tác, an toàn; giải quyết vấn đề”. Khái niệm và cách hiểu này phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay và đã được thống nhất trong nghiên cứu của Ulfert & Schmidt (2022).

3. Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa và hiệu chỉnh bộ thang đo của Ulfert & cộng sự (2022) được đo lường về tự tin sử dụng dụng công nghệ ở năm khía cạnh cấu thành: năng lực thông tin dữ liệu; sáng tạo nội dung số; giao tiếp và hợp tác, an toàn; giải quyết vấn đề. Nghiên cứu đã thực hiện thu thập và khảo sát dữ liệu của 370 giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từ tháng 3/2023 đến tháng 10/2023. Dữ liệu này được phân tích bằng phương pháp thống kê mô tả, kiểm định T-test độc lập và phân tích phương sai một chiều thông qua phần mềm SPSS phiên bản 20 để đánh giá thực trạng tự tin sử dụng công nghệ của giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Mô tả mẫu nghiên cứu

Bảng 1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

Nhóm Số lượngTỷ lệ %
Giới tínhNam20254.6
Nữ16845.4
TuổiDưới 254311.6
25 đến dưới 3520755.9
35 đến dưới 406718.1
40 đến dưới 505314.3
50 đến dưới 6072.6
trên 6010.4
Trình độCử nhân349.2
Thạc sĩ23764.1
Tiến sĩ9024.3
Sau tiến sĩ92.4
Ngạch, chức danhGiảng viên/trợ giảng31484.9
Giảng viên chính133.5
Giảng viên cao cấp4311.6
Nguồn: Tác giả (2023)

Về phân bố giới tính, số liệu cho thấy tỷ lệ nam chiếm tỷ lệ lớn hơn với 202 người (54.6%), trong khi tỷ lệ nữ là 168 người (45.4%). Về độ tuổi, phần lớn các cá nhân trong mẫu nghiên cứu có độ tuổi từ 25 đến dưới 35, chiếm 207 người (55.9%). Điều này cho thấy một phần lớn các cá nhân tham gia nghiên cứu là những người trẻ. Độ tuổi từ 35 đến dưới 40 cũng có mặt với tỷ lệ 67 người (18.1%). Trong số các cá nhân tham gia, phân bố trình độ đào tạo cho thấy, hầu hết đều có trình độ thạc sĩ (237 người, chiếm 64.1%), tiếp theo là cử nhân với 34 người (9.2%). Số lượng người có trình độ tiến sĩ và sau tiến sĩ cũng đáng kể, lần lượt là 90 người (24.3%) và 9 người (2.4%). Về ngạch và chức danh, phần lớn là giảng viên/trợ giảng, chiếm 314 người (84.9%). Giảng viên cao cấp và giảng viên chính cũng đóng góp một phần nhỏ nhưng đáng chú ý, lần lượt với 43 người (11.6%) và 13 người (3.5%).

Tóm lại, dữ liệu thống kê mô tả này cung cấp một góc nhìn tổng quan về đặc điểm của mẫu nghiên cứu, bao gồm giới tính, độ tuổi, trình độ đào tạo và ngạch chức danh, giúp nắm bắt thông tin quan trọng về đối tượng nghiên cứu.

4.2. Thực trạng về tự tin sử dụng công nghệ của giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Vấn đề liên quan đến kỹ năng số, kỹ năng sử dụng công nghệ, càng trở nên cần thiết đối với đội ngũ nhân sự của tổ chức, cần được xem xét và quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Thông qua nghiên cứu này, đã phát hiện ra các những kết quả sau:

Thứ nhất, giảng viên tham gia khảo sát đối với mức độ tự tin về từng biểu hiện của năm yếu tố cấu thành của tự tin sử dụng công nghệ, kết quả cho thấy các giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có sự tự tin ở mức chưa cao. Trong năm biểu hiện của sự tự tin về sử dụng công nghệ, có hai biểu hiện về “thông tin và dữ liệu”“giao tiếp hợp tác” được đánh giá ở mức cao hơn so với các kỹ năng còn lại. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước tiến rất lớn của nhân loại, điều này có nghĩa là giảng viên phải nhanh chóng cập nhật các kiến thức liên quan đến công nghệ và sử dụng chúng với tần suất thường xuyên. Vì vậy, kỹ năng tìm kiếm, xác thực thông tin và tương tác qua các nền tảng công nghệ được giảng viên đánh giá cao là điều hoàn toàn có thể lý giải được.

Thứ hai, kết quả trong nghiên cứu này cũng cho thấy có sự khác biệt về đặc điểm nhân khẩu trong từng yếu tố cấu thành nên tự tin về kỹ năng sử dụng công nghệ. Nhìn chung, tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá của giảng viên nam giới cao hơn so với nữ giới về mức độ tự tin sử dụng công nghệ. Kết quả nghiên cứu một lần nữa khẳng định có sự khác nhau trong đánh giá về mức độ tự tin trong việc sử dụng công nghệ giữa giảng viên nam và nữ. Mặc dù trong nghiên cứu này có sự khác biệt giữa nam và nữ giới về mức độ tự tin trong sử dụng công nghệ ở một số khía cạnh, nhưng cả nam và nữ đều thống nhất trong việc đánh giá cao về sự tự tin trong sử dụng kỹ năng công nghệ trong ba lĩnh vực liên quan đến thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề.

Thứ ba, khi xét đến từng yếu tố cụ thể của tự tin sử dụng công nghệ, nghiên cứu cho thấy các giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có mức độ tự tin khá đồng đều trong việc sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và quản lý thông tin trên internet và các thiết bị công nghệ khác. So với các nhân tố khác thì các giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có tự tin cao khi tìm kiếm thông tin chi tiết trên internet, trong khi việc lưu trữ các dữ liệu thông tin có tính hệ thống, khoa học và việc nhận định được thông tin chính xác và không chính xác trên internet, mạng xã hội, zalo,… có mức độ thấp hơn.

Về giao tiếp và hợp tác trên môi trường số của giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, các giảng viên có mức độ tự tin cao. Đặc biệt các giảng viên đều đánh giá và ý thức được việc chia sẻ các thông tin có trách nhiệm trên môi trường số và có các quy tắc ứng xử thích hợp để giao tiếp trên môi trường internet. Các giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đều có khả năng tương tác với những người khác trên mạng xã hội, zalo, internet… cũng như tự tin cao về sử dụng gmail, zalo, facebook, zoom… và các nền tảng, hệ thống số khác để làm việc với mọi người, ngoài ra đội ngũ giảng viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy, sự tự tin khi tham gia vào các cuộc thảo luận (họp online, hội nghị online…) và sự kiện phục vụ cộng đồng được tổ chức online. Tuy nhiên, đa số các giảng viên khi tương tác với các trang web, việc sẽ xóa lịch sử hoạt động, tìm kiếm trên điện thoại, máy tính và các thiết bị tương tự được đánh giá ở mức thấp nhất so với các yếu tố còn lại.

Giảng viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chưa thật sự tự tin về khả năng sáng tạo nội dung số. Khả năng hiểu được các vấn đề pháp lý và quy định nhà nước khi tham gia hoạt động trên môi trường internet lại được giảng viên đánh giá cao. Tuy nhiên, về khả năng tự tin bảo đảm an toàn thông tin của đội ngũ giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là không cao. Cụ thể, việc “bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của tôi trên môi trường số”“bảo vệ máy tính, điện thoại và các thiết bị tương tự của cá nhân khỏi các truy cập không mong muốn” đang là một vấn đề cần được quan tâm. Về khả năng tự tin giải quyết vấn đề kỹ thuật số, đội ngũ giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá bản thân ở khả năng này khá thấp. Tuy nhiên, các giảng viên đều có xu hướng luôn sẵn sàng trang bị các kỹ năng số cần thiết để áp dụng vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Hầu hết các giảng viên đều đánh giá mức độ tự tin cao nhất ở kỹ năng thông tin và dữ liệu. Trên thực tế, tất cả các đối tượng có liên quan đều cần phải thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu (thông tin) để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, học thuật, làm việc. Tuy nhiên, tuỳ theo mức độ và tính chất công việc mà mức độ đòi hỏi kỹ năng này khác nhau. Với giảng viên, là một nghề nghiệp có tính chất đặc biệt, luôn đòi hỏi sự cập nhật về mặt tri thức, kiến thức để thực hiện nhiệm vụ truyền đạt các thông tin này cho đối tượng người học. Vì vậy, đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng sử dụng thông tin và dữ liệu một cách rõ ràng và hiệu quả. Ngoài ra, với đối tượng quản lý nhu cầu về thu thập và xử lý thông tin để ra quyết định hiệu quả cũng ở mức cao hơn so với các đối tượng còn lại. 

Thứ tư, kiểm định tương quan giữa trình độ về công nghệ thông tin với các biểu hiện của sự tự tin về kỹ năng sử dụng công nghệ ở giảng viên thì có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Theo đó, giảng viên được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin sẽ có sự tự tin nhất định trong việc sử dụng các công nghệ để áp dụng trong quá trình làm việc, giúp nâng cao hiệu quả công việc. Giảng viên có trình độ công nghệ thông tin càng cao (cao đẳng trở lên) có sự tự tin cao hơn trong việc sử dụng kỹ năng công nghệ trên cả bốn phương diện. Tuy nhiên, các số liệu của kiểm định Anova cho thấy tất cả các khía cạnh của sự tự tin về kỹ năng sử dụng công nghệ khi xét theo độ tuổi; ngạch/chức danh; trình độ học vấn ở các đối tượng tham gia khảo sát cho thấy không có ý nghĩa thống kê sự khác biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các khía cạnh của sự tự tin về kỹ năng sử dụng công nghệ khi xét theo độ tuổi; ngạch/chức danh; trình độ học vấn của giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Giảng viên được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin sẽ có sự tự tin nhất định trong việc sử dụng các công nghệ để áp dụng trong quá trình làm việc, giúp nâng cao hiệu quả công việc. Nghiên cứu của Hiệp hội quản lý nguồn nhân lực Hoa Kỳ (2019) cho thấy 82% các nhà quản lý nói rằng họ cần nhân viên có kỹ năng công nghệ. Đồng thời, Deloitte (2020) cho thấy 70% các nhà tuyển dụng nói rằng họ sẽ không tuyển dụng nhân viên không có kỹ năng công nghệ. Như vậy, nếu giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp về công nghệ thông tin thì khả năng tự tin của họ trong sử dụng công nghệ có thể được cải thiện. Mặt khác, sự tự tin trong việc sử dụng các kỹ năng công nghệ giữ vai trò quan trọng trong việc giúp viên chức và người lao động có nhiều lợi thế hơn trong công việc.

Đối với việc giảng viên có trình độ công nghệ thông tin càng cao (cao đẳng trở lên) có sự tự tin cao hơn trong việc sử dụng kỹ năng công nghệ trên cả bốn phương diện. Nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon nhận định người được đào tạo về công nghệ có nhiều khả năng tự tin để thành công trong sự nghiệp tương lai. Hơn nữa, các giảng viên được đào tạo về công nghệ có nhiều khả năng có kế hoạch theo đuổi một nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Bởi vì, khi giảng viên học hỏi và sử dụng công nghệ, họ có thể phát triển các kỹ năng mới; điều này giúp họ có cảm giác thành công và tự tin. Đồng thời, khi sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề, họ có thể phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề; hoặc khi sử dụng công nghệ để giao tiếp với những người khác, họ có thể phát triển kỹ năng giao tiếp và hợp tác.

Thứ năm, trong việc đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến tự tin sử dụng công nghệ của giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, các yếu tố như kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số, điều kiện trang bị công nghệ, và môi trường làm việc nhận được sự đồng ý và đánh giá cao từ các đáp viên. Tuy nhiên, có những yếu tố khác như tuổi tác của người sử dụng công nghệsự thay đổi của các xu hướng công nghệ trên thế giới lại có điểm trung bình thấp hơn. Trong số các yếu tố này, đặc biệt là yếu tố sự thay đổi của các xu hướng công nghệ trên thế giới, được đánh giá thấp nhất trong số tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến tự tin sử dụng công nghệ của giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Điều này có thể cho thấy rằng trong việc xây dựng sự tự tin của giảng viên trong việc sử dụng công nghệ, việc hiểu và cập nhật các xu hướng công nghệ mới không phải là một ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, các yếu tố khác như sự am hiểu và thành thạo về công nghệ hiện có, cùng với điều kiện và môi trường làm việc tích cực, có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến mức độ tự tin của họ.

4.3. Giải pháp nâng cao tự tin sử dụng công nghệ cho giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Dựa trên quan điểm và chiến lược của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào giáo dục và nghiên cứu, cũng như thực trạng tự tin sử dụng công nghệ của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu này đề xuất các giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số cho giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nâng cao nhận thức về công nghệ số cho đội ngũ giảng viên là một giải pháp quan trong nhằm tác động tới sự tự tin sử dụng công nghệ cho hoạt động giảng dạy và các hoạt động học thuật khác. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần tập trung tới việc phát triển đa dạng các chương trình tuyên truyền một cách linh hoạt. Ví dụ: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn, hội thảo, và seminar định kỳ về các ứng dụng mới của công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu.

Việc xây dựng hệ thống thư viện trực tuyến chứa các tài liệu, video, và tài nguyên học liệu liên quan đến công nghệ số để giảng viên có thể tự học và tham khảo khi cần thiết cũng cần được Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh quan tâm một cách đúng mức.

Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các sự kiện hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu để giới thiệu và thảo luận về các công nghệ mới và các ứng dụng tiềm năng trong giảng dạy và nghiên cứu. Từ đó có thể mở rộng mời các chuyên gia và diễn giả từ các công ty công nghệ trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và những bài học từ thực tiễn về việc sử dụng công nghệ, nhất là áp dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục.

Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về công nghệ số đòi hỏi sự kết hợp của các biện pháp đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và tạo cơ hội liên kết với cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp. Chỉ thông qua việc thúc đẩy nhận thức và cung cấp các nguồn lực hỗ trợ phù hợp, chúng ta mới có thể thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu suất của giảng viên trong việc sử dụng công nghệ số trong giảng dạy và nghiên cứu.

Hai là, đào tạo và phát triển kỹ năng số cần thiết cho giảng viên, nhất là giảng viên nữ của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Công tác đào tạo và phát triển kỹ năng số là một hoạt động quan trọng để nâng cao tự tin sử dụng công nghệ số của đội ngũ giảng viên, từ kết quả nghiên cứu của đề tài này, tác giả để xuất Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nên tập trung tăng cường đào tạo và hỗ trợ đặc biệt cho các kỹ năng và lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt là các kỹ năng mà giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh còn yếu và thiếu, ví dụ như: các kỹ năng liên quan đến việc lưu trữ các dữ liệu thông tin có tính hệ thống, khoa học vàcũng như tăng cường khả năng nhận định được thông tin chính xác và không chính xác trên internet, mạng xã hội, zalo… Một số kỹ năng kiến thức về tương tác với các trang web, việc sẽ xóa lịch sử hoạt động, tìm kiếm trên điện thoại, máy tính và các thiết bị tương tự của giảng viên quan tâm đào tạo.

Đặc biệt, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nên quan tâm nhiều hơn đến đào tạo cho giảng viên về việc đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình tương tác trên môi trường số. Cụ thể, việc “bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của tôi trên môi trường số”“bảo vệ máy tính, điện thoại và các thiết bị tương tự của cá nhân khỏi các truy cập không mong muốn” là những khóa học cần được Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ưu tiên tổ chức cho đội ngũ giảng viên. Về khả năng tự tin giải quyết vấn đề kỹ thuật số, đội ngũ giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá bản thân ở khả năng này khá thấp. Tuy nhiên, các giảng viên đều có xu hướng luôn sẵn sàng trang bị các kỹ năng số cần thiết để áp dụng vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nên tập trung khuyến khích và hỗ trợ đội ngũ giảng viên việc tham gia các khóa học trực tuyến liên quan đến trang bị kiến thức về công nghệ số và các cung cấp tài liệu cần thiết để giảng viên có thể tranh thủ tự học để giảng viên có thể cập nhật kiến thức về các xu hướng công nghệ mới nhất.

Các chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nên tập trung tạo ra các chương trình đào tạo và phát triển chuyên sâu về công nghệ thông tin cho giảng viên hơn là đào tạo dàn trải. Để hoạt động đào tạo này được diễn ra phù hợp, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể tiến hành khảo sát hoặc cuộc thăm dò ý kiến để xác định những kỹ năng và kiến thức cụ thể mà giảng viên cần để áp dụng công nghệ trong công việc của họ. Từ đó, tổ chức xây dựng các khóa đào tạo đa dạng và linh hoạt, từ các khóa học cơ bản đến các chương trình đào tạo chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu và mức độ của từng giảng viên. Đồng thời, liên tục đánh giá và cập nhật các chương trình đào tạo để đảm bảo rằng chúng vẫn đáp ứng được các nhu cầu và yêu cầu mới của của các công nghệ mới. Bằng cách tạo ra các chương trình đào tạo và phát triển chuyên sâu về công nghệ thông tin cho giảng viên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể giúp họ nâng cao trình độ và tự tin trong việc sử dụng công nghệ, không chỉ giúp tăng cường hiệu quả công việc mà còn giúp họ duy trì được sự cập nhật và thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp và công nghệ thông tin.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng cho thấy đa số giảng viên nữ có sự tự tin về công nghệ thấp hơn nhóm giảng viên nam. Vì thế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nên quan tâm và tăng cường hỗ trợ, đào tạo cho nhóm giảng viên nữ về sử dụng công nghệ số. Để thực hiện hiệu quả, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể ban hành các chính sách về khuyến khích giảng viên nữa tham gia các khóa học và hội thảo chuyên biệt về các kỹ năng sử dụng công nghệ dành riêng cho giảng viên nữ. Các khóa đào tạo này có thể tập trung vào việc xây dựng tự tin, cải thiện kỹ năng và khuyến khích sự sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ.

Khuyến khích việc chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi qua các mạng lưới nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo cơ hội để các giảng viên nữ chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến và chiến lược với nhau thông qua các mạng lưới nữ lãnh đạo hoặc các nhóm nghiên cứu về giáo dục và công nghệ. Xây dựng các chương trình mentor và coaching dành riêng cho giảng viên nữ, trong đó các giảng viên có thể nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích và hướng dẫn từ những người đồng nghiệp có kinh nghiệm trong việc sử dụng công nghệ.

Nghiên cứu và áp dụng phương pháp giảng dạy, linh hoạt thời gian tham gia phù hợp với giới tính. Thực hiện các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách giới tính ảnh hưởng đến việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và phát triển các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng giới tính để tăng cường tự tin và hiệu suất sử dụng công nghệ của giảng viên nữ.

Bằng cách tăng cường hỗ trợ và đào tạo riêng cho giảng viên nữ, giúp cân bằng mức độ tự tin sử dụng công nghệ giữa nam và nữ giảng viên, từ đó tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và phát triển bền vững cho cả hai giới tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Ba là, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh quân tâm nhiều hơn đến việc xây dựng cộng đồng học tập và chia sẻ kinh nghiệm về vận hành, sử dụng các công nghệ mới phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng cộng đồng học tập và chia sẻ kinh nghiệm về vận hành, sử dụng các công nghệ mới phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên. Hoạt động này sẽ giúp cho việc xây dựng các cộng đồng học tập và chia sẻ kinh nghiệm giữa các giảng viên, từ đó tạo ra một môi trường học tập và trao đổi thông tin tích cực.

Bên cạnh đó, việc tạo ra các diễn đàn trực tuyến và nhóm nghiên cứu để giảng viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và chiến lược về việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu. Song song với đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể xây dựng các mô hình và ví dụ minh họa về việc thành công trong việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu, và chia sẻ chúng trong cộng đồng giảng viên để tạo động lực và khuyến khích giảng viên tham gia, từ đó nâng cao năng lực số, tăng cường tự tin sử dụng công nghệ cho giảng viên.

Bốn là, giải pháp về hỗ trợ khuyến khích phát triển cá nhân về kỹ năng số, nâng cao sự hiểu biết về công nghệ, trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Để khuyến khích giảng viên phát triển các kỹ năng số, cũng như nâng cao sự hiểu biết tốt hơn về công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tập trung xây dựng các chính sách và có chế độ khuyến khích phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia vào các khóa học trực tuyến, cộng đồng học tập, hoặc các khóa học chứng chỉ liên quan đến công nghệ số và giáo dục. Các khóa học và cộng đồng học tập này cung cấp không chỉ kiến thức mới mà còn cơ hội thảo luận và trao đổi kinh nghiệm với những giảng viên cùng chung sở thích và mục tiêu học tập. Thông qua việc cung cấp hỗ trợ cá nhân và khuyến khích tham gia vào các khóa học và cộng đồng học tập, giải pháp này giúp tạo ra một môi trường học tập tích cực và sáng tạo cho đội ngũ giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ giúp họ nắm vững công nghệ mà còn tạo ra những trải nghiệm giảng dạy tốt hơn và cải thiện chất lượng giáo dục tại trường.

Có quy định và nâng cao chuẩn đầu vào về trình độ công nghệ thông tin, nhất là đối với lĩnh vực giảng dạy đặc thù sử dụng nhiều công nghệ. Điều này sẽ tạo ra những trải nghiệm giảng dạy tốt hơn và cải thiện chất lượng giáo dục tại trường.

Năm là, cung cấp các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn thông qua trung tâm hỗ trợ, khắc phục sự cố kỹ thuật và giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ số của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên và các đội tượng khác.

Có thể tiến tới thành lập một trung tâm hỗ trợ và phát triển công nghệ số của trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Thông qua đơn vị này, giúp cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn về công nghệ số cho cả giảng viên và các đối tượng khác tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm sẽ có các chuyên gia kỹ thuật và tư vấn có kinh nghiệm để giải quyết mọi vấn đề kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phù hợp.

Đồng thời, trung tâm này sẽ cung cấp dịch vụ khắc phục sự cố kỹ thuật nhanh chóng và chuyên nghiệp khi có vấn đề xảy ra, bao gồm cả vấn đề liên quan đến phần cứng và phần mềm. Các chuyên gia tại trung tâm sẽ hỗ trợ giảng viên và nhân viên trong quá trình cài đặt và sử dụng các ứng dụng, phần mềm và thiết bị công nghệ, cũng như cung cấp hướng dẫn sử dụng chi tiết và các khóa đào tạo để giúp người dùng nắm vững các công nghệ mới và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng. Việc vận hành trung tâm này, sẽ cung cấp một nguồn lực chính thức và chuyên nghiệp để giải quyết mọi vấn đề kỹ thuật và tư vấn về công nghệ và không chỉ cho giảng viên mà còn cho các đối tượng khác, như sinh viên và nhân viên hành chính.

Giải pháp này cung cấp một cơ chế tổ chức hệ thống và chuyên nghiệp để cung cấp hỗ trợ và tư vấn về công nghệ số tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Bằng cách này, trường có thể bảo đảm rằng cộng đồng của mình có thể sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và không bị gián đoạn bởi các vấn đề kỹ thuật.

Để tăng cường tụ tin về sử dụng công nghệ cho đội ngũ giảng viên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho giang viên trong việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu. Cụ thể, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể thiết lập các chính sách tài chính để hỗ trợ giảng viên mua sắm thiết bị công nghệ và phần mềm cần thiết cho công việc giảng dạy và nghiên cứu. Phát triển các chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển kỹ năng công nghệ cho giảng viên, bao gồm cả các khóa học trực tuyến và chương trình đào tạo nâng cao.

Tổ chức các cuộc thi về sáng tạo công nghệ, nơi giảng viên có thể thể hiện và chia sẻ những ứng dụng mới và sáng tạo của công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu. Việc tạo ra các giải thưởng và danh hiệu để tôn vinh những giảng viên có những đóng góp xuất sắc trong việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy và nghiên cứu. Tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và sự kiện đánh giá để tôn vinh những giảng viên có những đóng góp xuất sắc trong việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy và nghiên cứu.

Những đề xuất này không chỉ khuyến khích giảng viên sử dụng công nghệ mà còn tạo ra một cơ hội để tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của họ. Bằng cách này, trường có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ và động viên cho giảng viên để họ tiếp tục phát triển kỹ năng và ứng dụng công nghệ vào công việc giảng dạy và nghiên cứu.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu này đã đề xuất giải pháp nâng cao tự tin sử dụng công nghệ cho giảng viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Từ việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng số, xây dựng cộng đồng học tập đến cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tạo chính sách khuyến khích, tất cả những giải pháp này đều hướng tới mục tiêu chung: nâng cao năng lực và tự tin của giảng viên khi sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, sự hỗ trợ và cam kết từ tất cả các bên liên quan là rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ đồng lòng của ngành giáo dục và các bên liên quan, các giải pháp được đề xuất sẽ giúp Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình trong thời đại công nghệ số và chuẩn bị cho tương lai.

Chú thích:
1. Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế – Luật trong Đề tài cấp cơ sở mã số: GV-2023-01.
Tài liệu tham khảo:
1. Alt, D. (2018). Science teachers’ conceptions of teaching and learning, ICT efficacy, ICT professional development and ICT practices enacted in their classrooms. Teaching and Teacher Education, 73, 141–150. https://doi.org/10.1016/j. tate.2018.03.020
2. Lucas, M., Bem‐haja, P., Santos, S., Figueiredo, H., Ferreira Dias, M., & Amorim, M. (2022). Digital proficiency: Sorting real gaps from myths among higher education students. British Journal of Educational Technology, 53(6), 1885–1914. https://doi.org/10.1111/bjet.13220
3. Marsh, H., Martin, A., Yeung, A., & Craven, R. (2017). Competence self- perceptions. In Handbook of competence and motivation: Theory and application (pp. 85–115).
4. Ulfert-Blank, A. S., & Schmidt, I. (2022). Assessing digital self-efficacy: Review and scale development. Computers and Education, 191. https://doi.org/10.1016/j.compedu.2022.104626