Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Lào Cai

(QLNN) –  Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai – tỉnh Lào Cai đã: Ưu tiên quỹ đất, kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ xây dựng trường trung học cơ sở chất lượng cao; triển khai các dịch vụ giáo dục chất lượng cao, xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.

 

Cùng với việc triển khai mô hình trường học mới ở Việt Nam bậc trung học cơ sở (THCS) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), bên cạnh những thuận lợi, giáo dục THCS thành phố Lào Cai – tỉnh Lào Cai cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Nhiều vấn đề then chốt của giáo dục THCS đã được đặt ra, như: lựa chọn mô hình trường lớp phù hợp; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập rèn luyện của học sinh; phát triển năng lực người học và hội nhập quốc tế…

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Lào Cai

Thành phố Lào Cai – tỉnh Lào Cai có diện tích rộng, dân cư đông, sự phân bố dân cư không đồng đều. Đời sống của nhân dân vùng ven, vùng cao còn khó khăn, ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tại Kết luận số 197 – KL/TU ngày 08/3/2017 của Thường trực Tỉnh ủy trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Lào Cai đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với thành phố và các ngành liên quan tham mưu giải pháp để nâng cao chất lượng ngành giáo dục thành phố với mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 1 trường THCS quốc tế và 100% các trường THCS đạt chuẩn quốc gia; chất lượng dạy và học ngoại ngữ ngang bằng thành phố Hà Nội.

Trao thưởng cho học sinh xuất sắc, tiêu biểu tại Lào Cai (nguồn:http://vietbao.vn)

Xác định nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục THCS trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đưa chất lượng giáo dục của Lào Cai ngày càng tiến gần tới giáo dục miền xuôi, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về giáo dục THCS trên địa bàn thành phố phải vừa bảo đảm tính thống nhất trong giải quyết những vấn đề then chốt của thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, vừa phải phát huy tính đổi mới, sáng tạo của các đơn vị trường học, kiểm soát tốt hoạt động, chất lượng của nhà trường, đưa giáo dục THCS thành phố Lào Cai phát triển phù hợp với xu thế chung của cả nước và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, công tác QLNN về giáo dục THCS luôn được thành phố quan tâm, chất lượng giáo dục THCS không ngừng được nâng cao. Năm học 2016 – 2017, thành phố “có 69 đơn vị trường học, trong đó có 17 trường THCS với 203 lớp, 7.318 học sinh và 13/17 trường được công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia”{1}.

Sau hơn 20 năm thành lập, giáo dục THCS thành phố đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, việc triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) bậc THCS tại thành phố được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Về chất lượng, “100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trên 70% giáo viên có trình độ trên chuẩn”{2}. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Để nâng cao hiệu quả QLNN đối với giáo dục nói chung và giáo dục bậc THCS nói riêng, UBND thành phố đã ban hành một số quy định về tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục theo sự phân cấp quản lý. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung, kiểm soát chất lượng giáo dục; thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đặc biệt, đã huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục mang lại kết quả khả quan, thành lập quỹ khuyến học mở rộng đến từng cơ quan, tổ chức, từng địa bàn dân cư. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng quy định, góp phần quan trọng trong điều chỉnh, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục tại các nhà trường…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLNN về giáo dục THCS của các phường, xã còn chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao. Chính quyền nhiều nơi chưa quan tâm mà giao hẳn nhiệm vụ giáo dục và các công tác liên quan cho nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng và cơ cấu. Công tác quản lý GDĐT chưa thực sự được đổi mới. Việc tổ chức quản lý công tác nghiên cứu khoa học trong ngành chưa được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra chuyên đề chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng Thanh tra và phòng GDĐT…

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn thành phố

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm nâng cao hiệu quả QLNN về giáo dục THCS trong thời gian tới, thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Một là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, thể chế QLNN về giáo dục THCS. Phát huy vai trò của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong định hướng, điều hành, phối hợp các hoạt động giáo dục. Theo đó, UBND thành phố và các đơn vị liên quan cần xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác điều hành các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể của các trường THCS đóng trên địa bàn, xác định rõ vai trò của Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi các trường đặt trụ sở.

Giao quyền tự chủ về tài chính; tự chủ xây dựng và quản lý chương trình giáo dục cho các trường. Tăng cường kiểm soát chất lượng công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục của các trường THCS. Phòng GDĐT chịu trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng (chủ tài khoản), kế toán về công tác tài chính; tập huấn, hướng dẫn và kiểm soát việc tự chủ về xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của các trường.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đơn vị, đánh giá hoạt động của các trường THCS dựa trên cơ sở kết quả các hoạt động giáo dục của trường, kết quả đánh giá đầu ra của học sinh, kết quả tham gia các hoạt động chung của ngành, địa phương, kết quả thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý…

Hai là, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân trong lựa chọn mô hình trường học, định hướng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cấp THCS phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng được yêu cầu, định hướng phát triển giáo dục của thành phố. Theo đó, UBND thành phố cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

(1) Phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển giáo dục THCS tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.

(2) Phân tích cơ sở khoa học, nghiên cứu kinh nghiệm triển khai của các mô hình trường học tiên tiến.

(3) Nghiên cứu triển khai thử nghiệm trên quy mô nhỏ, phân tích đánh giá quá trình tiếp nhận, hiệu quả của mô hình trường học mới.

(4) Trên cơ sở kết quả phân tích thực trạng giáo dục THCS của địa phương, đánh giá kết quả thử nghiệm, kết quả lấy ý kiến của Thành ủy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan cùng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường, UBND thành phố Lào Cai cùng cơ quan quản lý chuyên môn là Sở GDĐT và các chuyên gia giáo dục đánh giá lại tổng thể các điều kiện triển khai mô hình trường học mới.

(5) Khi đã quyết định triển khai mô hình trường học mới với quy mô cụ thể, UBND thành phố giao Phòng GDĐT làm tốt công tác rà soát, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ về số lượng, đạt về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của mô hình trường học mới.

Ba là, tăng cường xây dựng hệ thống thông tin quản lý về giáo dục THCS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa QLNN về giáo dục THCS. Thiết lập ngân hàng dữ liệu, thông tin về ngành GDĐT thành phố Lào Cai, trong đó có thông tin QLNN về giáo dục THCS, đáp ứng nhu cầu về dữ liệu và thông tin cho công tác chỉ đạo quản lý.

Phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm, chuyển giao công nghệ thiết kế các module, các phần mềm cần thiết phục vụ công tác quản lý thông tin, hỗ trợ công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục cho các trường trên địa bàn thành phố.

Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy.

Bốn là, đổi mới công tác quy hoạch, tuyển chọn, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên THCS. Xây dựng quy trình quy hoạch, tuyển chọn dân chủ, công khai và khách quan, từ đó chọn lựa đúng người thật sự có năng lực, khả năng, đáp ứng tốt các yêu cầu về công tác quản lý các trường THCS trên địa bàn thành phố. Thường xuyên rà soát trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong cả nhiệm kỳ để có kế hoạch bồi dưỡng dài hạn và hằng năm cho đội ngũ này.

Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường THCS.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về GDĐT của các trường THCS. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này nhằm giúp UBND thành phố, các cơ quan quản lý giáo dục kịp thời phát hiện những mặt hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động giáo dục tại các trường THCS.  Đồng thời, là tiền đề quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên và góp phần đánh giá công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục của các trường học.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm đánh giá được toàn diện công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục của các trường THCS. Việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách công khai, độc lập, tránh hình thức. Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên có biểu hiện vi phạm các quy định về hoạt động chuyên môn, về pháp luật.

Sáu là, xây dựng và phát triển hệ thống trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao theo định hướng phát triển năng lực học sinh và hội nhập quốc tế. Theo đó, UBND thành phố cần xây dựng đề án phát triển hệ thống trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao cho toàn thành phố theo từng giai đoạn. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đánh giá các tiêu chí của các trường để làm tốt công tác duy trì và phát triển đối với các trường đã đạt chuẩn. Đối với các trường chưa đạt chuẩn quốc gia, rà soát về cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung phòng học…, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 100% các trường THCS trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia.

Ưu tiên quỹ đất, kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ xây dựng trường THCS chất lượng cao. Triển khai các dịch vụ giáo dục chất lượng cao, xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục chất lượng cao trên địa bàn thành phố.

Chú thích:
1, 2. Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai. Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai năm 2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ.  Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
3. Thành ủy Lào Cai. Đề án số 09-ĐA/TƯ ngày 31/12/2015 về “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo thành phố Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020”.
4. Tỉnh ủy Lào Cai. Đề án số 06-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về đổi mới căn bản, toán diện giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2016 – 2020.
5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/10/2016 về phát triển thành phố Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.
6. Tỉnh ủy Lào Cai. Kết luận số 197 – KL/TU ngày 08/3/2017 của thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Lào Cai.
                                                                                      Lê Quang Minh
                                                          Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai – Tỉnh Lào Cai