Từ “tri thức là sức mạnh” của Francis Bacon đến sự phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn

(Quanlynhanuoc.vn) – Toàn bộ Học thuyết Triết học của Francis Bacon là sự thể hiện khát vọng lớn lao về một xã hội mà ở đó hội tụ đầy đủ những thành quả của khoa học vào trong cuộc sống và những thành quả của khoa học ấy đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. F.Bacon cũng đã đưa ra dự báo về thời đại kinh tế tri thức cho thế hệ sau.
Học thuyết triết học của Francis Bacon là sự thể hiện khát vọng lớn lao về một xã hội mà ở đó hội tụ đầy đủ những thành quả của khoa học vào trong cuộc sống. Ảnh minh hoạ: Internet.
Quan điểm “tri thức là sức mạnh” của Francis Bacon

Trong quan điểm của F.Bacon (1561 – 1626 – Anh) vai trò đầu tiên của khoa học là làm thức tỉnh con người, đánh thức họ thoát khỏi tình trạng giáo điều, nắm lấy những vận hội mới, tri thức khoa học phải xua tan những bóng đen vây bọc trí tuệ con người, vạch hướng đi cho con người thoát ra khỏi những trở ngại để có thể khám phá tự nhiên, vươn lên làm chủ tự nhiên và làm chủ xã hội. Và, khi tri thức thoát khỏi ảnh hưởng của triết học kinh viện thì tri thức khoa học sẽ biến thành sức mạnh, góp phần phát triển lực lượng sản xuất và đẩy nhanh tiến bộ xã hội.

Có thể khẳng định rằng, nhờ áp dụng các thành quả của khoa học mà con người có các công cụ dùng để đông lạnh, dự trữ sản phẩm, sản xuất ra nhiều kim loại mới bằng sự phối hợp các nguyên liệu, chế tạo thuốc kéo dài tuổi thọ, các nhà máy thuỷ điện, công cụ sản xuất các thực phẩm bổ ích cho sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ cho con người, tạo giống mới cho cây trồng và vật nuôi…

Mở rộng ra, về mặt chính trị, quyền lực được trao cho những con người uyên bác, giàu tri thức nhất. Họ cai trị xã hội không bằng hệ thống quyền lực nhà nước như những kiểu nhà nước đã và đang tồn tại mà được dựa trên sức mạnh và quyền lực của tri thức. Nhờ có tri thức khoa học mà xã hội tiến về phía trước; bởi tất cả những hoạt động của xã hội đều cần đến tri thức, khoa học – kỹ thuật… như một nhân tố hữu cơ của quá trình lịch sử, tạo nên một trong những tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội. Khoa học có vai trò dẫn dắt và định hướng hoạt động của con người, hay nói cách khác là khoa học có vai trò quản lý xã hội.

Mặc dù không trực tiếp bàn về quản lý xã hội nhưng F.Bacon đã gợi mở cách thức tiếp cận khoa học trong việc xác lập bộ máy quản lý xã hội. Ông đã nhìn thấy bên trong mỗi con người đều có 3 tham vọng, đó là của cải, quyền lực và tri thức; trong đó “tham vọng” tri thức luôn được xem là tham vọng chân chính; trong đó, cách tốt nhất để con người phụng sự xã hội là họ tự đánh thức được giá trị và tiềm năng tri thức của mình; từ đó sẽ hướng họ đến việc phụng sự cho lợi ích chung (lợi ích xã hội)1.

Nhìn lại lịch sử phát triển của triết học phương Tây thế kỷ XVII, một trong những đặc điểm nổi bật của thời đại, đó chính là khoa học từ chỗ là hoạt động nghiên cứu tự do dần dần trở thành thiết chế xã hội, một thành tố không thể thiếu trong đời sống của một quốc gia. Một khi trở thành thiết chế xã hội thì khoa học đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, chuyển giao khoa học và công nghệ giữa các quốc gia và bằng những nỗ lực đề cao vai trò của khoa học.

Kinh tế tri thức – xu thế phát triển tất yếu trong thời đại ngày nay

Học thuyết Triết học của F.Bacon, từ dự án “Đại phục hồi khoa học” đến “Công cụ mới” và cả “Átlantic mới” đã mở đầu cho tinh thần mới trong triết học, nghiên cứu này tập trung thể hiện quyền lực của tri thức trong đời sống xã hội.

Những dự báo về vai trò của khoa học đã trở thành hiện thực, không những thế còn vượt xa mức độ tưởng tượng của F.Bacon. Ảnh minh hoạ: Internet.

Khi khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, xâm nhập vào từng yếu tố của lực lượng sản xuất, làm biến đổi mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và sự gia tăng của lao động tri thức là cơ sở dẫn đến sự ra đời nền kinh tế tri thức; làm thay đổi diện mạo của tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội. Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện nay tập trung vào 5 nội dung chính: về tự động hóa, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học, điện tử tin học đã góp phần đưa nền kinh tế thế giới biến đổi toàn diện và sâu sắc cả về cơ cấu và phương thức hoạt động.

Sự hình thành nền kinh tế tri thức dựa trên quá trình chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại; quá trình cách mạng trong tri thức (hay còn gọi là quá trình cách mạng khoa học và công nghệ); quá trình xác lập nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Nền kinh tế tri thức có những đặc trưng: (1) Dựa vào tri thức là chủ yếu. (2) Có tốc độ phát triển nhanh và rộng khắp, trong đó, sự sáng tạo là động lực trực tiếp của sự phát triển. (3) Mạng thông tin phát triển mạnh mẽ và trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng nhất phục vụ cho nền kinh tế. (4) Tổ chức sản xuất tiến hành linh hoạt hơn. (5) Doanh nghiệp trở thành nhân tố trung tâm thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế. (6) Nền kinh tế mang tính toàn cầu. (7) Xu hướng tạo ra các sản phẩm phi trọng lượng. (8) Nền kinh tế học hỏi. (9) Tạo ra sự biến đổi xã hội toàn diện và sâu sắc2.

Trong nền kinh tế tri thức, sản phẩm của tri thức (các mặt hàng của tri thức, bản quyền, phát minh…) đã trở thành hàng hoá và có sức cạnh tranh cao; nền sản xuất được tổ chức linh hoạt, uyển chuyển với xu hướng giảm các yếu tố đầu vào. Sự phát triển của kinh tế tri thức gắn liền với quá trình toàn cầu hoá về kinh tế; bởi nó tác động đến nhiều quốc gia. Do đó, nói đến kinh tế tri thức là người ta nghĩ ngay đến mức độ tác động hay độ bao phủ, phạm vi ảnh hưởng của nó có tính toàn cầu. Hiện nay, kinh tế tri thức hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặt các quốc gia ấy nhiều thời cơ và thách thức mới, đứng trước những ngưỡng cửa khác nhau của sự phát triển tuỳ thuộc vào mức độ ứng dụng các thành tựu của tri thức khoa học. Điều này chứng tỏ, kinh tế tri thức xuất hiện là tất yếu trong sự vận động và phát triển của xã hội, đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của nền văn minh trí tuệ.

Những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế tri thức Việt Nam

Tuyên bố “tri thức là sức mạnh” của F.Bacon được thể hiện rõ nét trong nền kinh tế tri thức ngày nay, khi tri thức khoa học không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp mà còn là một thiết chế xã hội đặc trưng. Kinh tế tri thức ra đời đánh dấu một trình độ phát triển cao nhất từ trước đến nay của nhân loại và đã trở thành xu hướng phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng chung đó, bên cạnh việc thực hiện công nghiệp hoá – hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam cũng xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức.

Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

(1) Về thuận lợi, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn có những nhận định đúng đắn và chú trọng vai trò phát triển của khoa học – công nghệ. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư3.

Với nguồn lao động dồi dào, có tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo và luôn biết tiếp thu cái mới, Việt Nam hoàn toàn có thể đi tắt đón đầu, bắt kịp các thành tựu khoa học của khu vực và thế giới; đồng thời kế thừa kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để có một môi trường thông thoáng, tạo đà phát triển cho nền kinh tế tăng trưởng cao, chính trị – xã hội ổn định, có tiềm lực thu hút đầu tư phát triển khoa học và công nghệ… là những thuận lợi để nước ta phát triển kinh tế tri thức.

(2) Về khó khăn, thử thách, đầu tiên là do xuất phát điểm nền kinh tế nước ta quá thấp, từ một nước nông nghiệp lạc hậu chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Điều này không thể tránh khỏi tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất – kỹ thuật, ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, khả năng nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ còn hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, những vấn đề như kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế còn ở trình độ thấp, thiếu vốn đầu tư, còn tồn đọng những yếu kém và bất cập trong khâu quản lý nền kinh tế… đang là những trở ngại lớn để nước ta xây dựng nền kinh tế tri thức. Do đó, những hạn chế trên cần được khắc phục để đưa nước ta trước hết là sớm thoát khỏi tình trạng của một nước nông nghiệp lạc hậu. Điều này cũng có nghĩa là, nền kinh tế nước ta vừa phải chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và đồng thời vừa chuyển đổi từ công nghiệp sang tri thức.

Một số gợi ý định hướng phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam

Việc phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam cần phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của đất nước trên cơ sở phát huy những thuận lợi sẵn có, đồng thời sớm khắc phục những khó khăn trước mắt. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, làm nổi bật tính đặc thù và những vấn đề đặt ra đối với kinh tế tri thức ở Việt Nam để có tầm nhìn, định hướng phát triển.

Thứ nhất, cần xây dựng nền giáo dục tiên tiến đạt chuẩn quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho nền kinh tế tri thức. Đặc biệt là phải tạo dựng môi trường học tập để có thể học tập suốt đời.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực làm chủ các thành tựu mới nhất về khoa học và công nghệ. Trong nền kinh tế tri thức luôn luôn có sự đòi hỏi người lao động phải năng động, sáng tạo, không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng. Đây là đội ngũ trực tiếp tiếp thu các thành tựu mới nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và ứng dụng vào trong thực tiễn; đồng thời, họ phải có khả năng phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới.

Thứ ba, đầu tư để phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông (ICT), ứng dụng và phát triển ICT trong tất cả các lĩnh vực. Xác định đúng vai trò ICT là động lực cho sự đổi mới và phát triển nhân lên sức mạnh tinh thần, vật chất và trí tuệ của dân tộc, là mũi nhọn xung kích vào kinh tế tri thức.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức quản lý thực sự dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo môi trường kinh doanh sôi động, phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi khả năng sáng tạo, mở đường cho kinh tế tri thức phát triển. Đây là yếu tố quan trọng nhất, nếu thiếu nó thì ba yếu tố trên chỉ là tiềm năng của kinh tế tri thức.

Kết luận

Vào thời đại của F.Bacon, tuyên bố “tri thức là sức mạnh” chỉ là sự không tưởng vì đó là sự tưởng tượng về vai trò tiên phong của khoa học trong tác phẩm “Átlantic mới”. Tuy vậy, nó vẫn có ý nghĩa thời đại to lớn bởi những gợi mở đầy giá trị mà nhà tư tưởng đã đưa ra. Với sự xâm nhập của tri thức vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cùng những ảnh hưởng ngày càng to lớn của nó vào sự phát triển thì kinh tế tri thức là sự lựa chọn tất yếu của các quốc gia. Xã hội mà chúng ta đang xây dựng chứa đựng đầy đủ những điều kiện khách quan và chủ quan để biến khát vọng của con người trở thành hiện thực sinh động dưới sự tác động của khoa học và công nghệ. Cùng những thuận lợi đã có, và với sự quyết tâm giải quyết những khó khăn vướng mắc, Việt Nam đã và đang xây dựng nền kinh tế tri thức phát triển, tạo động lực bước vào ngưỡng cửa văn minh trí tuệ của nhân loại.

Chú thích:
1. Lê Thị Huyền. Ph. Bêcơn với dự án “Đại phục hồi khoa học. Tạp chí Triết học, 02/2010, tr.32.
2. Đặng Hữu. Kinh tế tri thức – thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr. 160-161.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr. 140.
Tài liệu tham khảo:
1. C.Mác, Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia, 1994.
2. Benjamin Farrington. Francis BaconPhilosopher of Industrial Science, Octagon Books, New York, 1979.
3. Hồ Anh Dũng. Để khoa học nhanh chóng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp ở nước ta. Tạp chí Triết học, (02/2002).
4. Francis Bacon – Stanford Encyclopedia of Philosophy. https://plato.stanford.edu/entries/francis-bacon.
Đỗ Thị Thuỳ Trang
Trường Đại học Tài chính – Kế toán