Quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý di tích quốc gia trong giai đoạn hiện nay đặt ra yêu cầu đòi hỏi phát triển hài hòa quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị nhằm xây dựng một cơ chế quản lý chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quyền tự do, dân chủ và đáp ứng xu thế xã hội hóa trong các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Bài viết phân tích làm rõ thực trạng, đề xuất những giải pháp quản lý phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Bảo vật quốc gia: tượng Phật chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Bằng Cao.
Di tích quốc gia của tỉnh Hưng Yên có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật

Di tích quốc gia (DTQG) thuộc di sản văn hóa (DSVH) vật thể là tài sản quý giá của quốc gia, của dân tộc. Ở Việt Nam DTQG bao gồm những di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, thẩm quyền cấp bằng xếp hạng DTQG do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. Quản lý DTQG là sử dụng cơ chế, chính sách thông qua bộ máy hành chính, tác động có tính chất định hướng tới cộng đồng xã hội nhằm mục tiêu bảo tồn lâu dài các yếu tố gốc cấu thành DTQG, phát huy giá trị các DTQG, thúc đẩy phát triển khu vực xung quanh DTGQ theo hướng phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Qua đó, bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Yêu cầu của quản lý DTQG là phải xác định rõ các mặt giá trị tiêu biểu của di tích, đồng thời, đánh giá tình trạng kỹ thuật, hiện trạng môi trường thiên nhiên và xã hội xung quanh DTQG; đánh giá các yếu tố tác động tới DTQG để có định hướng kiểm soát những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới sự toàn vẹn và suy giảm giá trị của DTQG.

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh1. Hưng Yên đại diện cho văn hóa lúa nước truyền thống vùng châu thổ sông Hồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.802 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 175 DTQG, 267 di tích cấp tỉnh và 6 bảo vật quốc gia cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống văn hóa và phát triển du lịch2. DTQG của tỉnh Hưng Yên có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Đặc biệt, một số DTQG chứa đựng những giá trị lịch sử trải qua các thời kỳ, điển hình với kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng và không gian văn hóa truyền thống, như: DTQG đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung ở huyện Khoái Châu; DTQG đền Ủng, huyện Ân Thi, thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão thời Trần; DTQG đền Tống Trân với truyền thuyết Tống Trân – Cúc Hoa ở huyện Phù Cừ…

Tuy vậy, DTQG ở Hưng Yên đang chịu tác động ngày càng nhanh chóng của sự biến đổi môi trường tự nhiên và xã hội, tác động tiêu cực đến giá trị văn hóa truyền thống. Xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, như: hoạt động quản lý DTQG chưa đáp ứng yêu cầu do trình độ quản lý còn lạc hậu; thiếu sự đồng bộ và chưa thực sự quan tâm, coi trọng việc bảo tồn di tích. Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh của các đô thị, các công trình xây dựng mới che khuất di tích, các hoạt động sản xuất, dân sinh gây ô nhiễm môi trường, thiếu các điều kiện về hạ tầng và dịch vụ thiết yếu. Đây là những thách thức đối với quản lý DTQG trong giai đoạn hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các DTQG.

Nghi môn đền Mẫu trong quần thể di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Bằng Cao.
Thực trạng quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Bài viết phân tích thực trạng quản lý và phát huy giá trị các DTQG gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, sử dụng số liệu, kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Tác giả đã thực hiện khảo sát phiếu hỏi 180 cán bộ, công chức quản lý theo dõi, phụ trách lĩnh vực, chuyên quản lý DTQG và 620 người dân, người trông coi và khách du lịch tại 175 DTQG của tỉnh Hưng Yên.

Thứ nhất, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về DTQG.

Hưng Yên xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các nghị định, thông tư, tỉnh Hưng Yên mới đây đã ban hành các văn bản cụ thể: Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh về bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 20/11/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý di tích, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng yên…

Tuy nhiên, đánh giá chung về công tác quản lý DTQG trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, từ kết quả khảo sát đối với cán bộ, công chức quản lý theo dõi, phụ trách lĩnh vực và chuyên quản lý DTQG chủ yếu ở cấp cơ sở, phần lớn cho rằng việc quản lý và phát huy giá trị các DTQG chưa tốt, trong đó nguyên nhân chủ yếu do thiếu kinh phí đầu tư, tài chính hạn hẹp.

Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về DTQG có hiệu quả cao (chiếm 91%), chỉ có 8% ý kiến cho rằng việc thực hiện là chưa hiệu quả, trong đó lý do được đưa ra nhiều nhất là nhận thức về DTQG của cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế (6,7%), tiếp theo là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về DTQG chưa tốt (4,4%) và công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động quản lý di tích chưa hiệu quả (4,4%) (Hình 1).

Thứ hai, việc trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp DTQG.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thực hiện tu bổ, chống xuống cấp cho 105 di tích với tổng số vốn đầu tư trên 75,8 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh là 35,8 tỷ đồng. Đã hoàn thành tu bổ, chống xuống cấp cho 18 DTQG. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu kế hoạch 38 DTQG. Năm 2022, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng vốn đầu tư là 81,6 tỷ đồng, đã phê duyệt 12 dự án bảo tồn DTQG3.

Đặc biệt, một số DTQG đã huy động và sử dụng nguồn vốn xã hội hóa lớn để tu bổ chống xuống cấp, như: Đền Dị Chế, đền Triều Dương, huyện Tiên Lữ; Chùa An Xá, huyện Kim Động; Đình Nho Lâm, đình Nguyễn Xá, thị xã Mỹ Hào…4. Việc trùng tu, chống xuống cấp DTQG theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Đáng chú ý là sự tham gia của người dân vào việc tu bổ, sửa chữa và tôn tạo DTQG ở tỉnh Hưng Yên khá cao (Hình 2).

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nguồn hỗ trợ chống xuống cấp khẩn cấp DTQG ở mức một tỷ đồng còn lại huy động nguồn xã hội hóa là chủ yếu. Cấp huyện, cấp xã huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp DTQG.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về DTQG.

Theo số liệu báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2021 – 2022 đã tiến hành 5 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý bảo vệ di tích tại DTQG có gắn với lễ hội. Phối hợp với thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giám sát, kiểm tra về công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại DTQG; hướng dẫn, nâng cao trách nhiệm giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đã xử lý 3 đơn, thư, ý kiến về tu bổ, sửa chữa và tôn tạo DTQG5. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về DTQG trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được tiến hành khá thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau, như: thanh tra bộ; thanh tra sở; thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và thanh tra, kiểm tra khác (Hình 3). Tuy nhiên, không có thông tin xử phạt, chỉ nhắc nhở. Trong đó, hoạt động thanh tra do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh thực hiện là chủ yếu.

Thứ tư, việc phát huy giá trị các DTQG gắn với phát triển du lịch.

Để phát huy giá trị các DSVH, DTQG, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị DSVH tiêu biểu của tỉnh bằng nhiều hình thức, như: ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp; sản xuất video clip, phim ảnh; tham gia hội chợ và triển lãm tại các địa phương… Nhiều DTQG đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách, như: khu di tích Phố Hiến; di tích Đa Hòa, Dạ Trạch; di tích đền An Xá (Đậu An); di tích đền Phù Ủng; di tích chùa Nôm, làng Nôm…

Tuy vậy, hiện nay theo đánh giá của cán bộ, công chức theo dõi, phụ trách lĩnh vực và chuyên quản lý DTQG thì điều kiện phục vụ tại DTQG trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Theo đó, 90% người được hỏi cho rằng điều kiện phục vụ hiện nay đáp ứng chưa tốt nhu cầu khách du lịch và chỉ 10% cho rằng đáp ứng tốt. Kết quả này cũng đồng nhất với ý kiến của người dân và khách du lịch, với 90,9% cho rằng điều kiện phục vụ hiện nay của di tích chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch. Cán bộ, công chức theo dõi, phụ trách lĩnh vực và chuyên quản lý DQTG cho rằng nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh (85,6%) tiếp đến là giao thông (78,9%) và an ninh trật tự (74,4%); còn đối với người dân và khách du lịch, lý do được đề cập đến nhiều nhất theo thứ tự là: an ninh trật tự (84,9%), vệ sinh (78,6%) và giao thông (54,1%). Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm, xâm phạm di tích, lợi dụng DSVH phi vật thể để thu lợi vẫn xảy ra tại một số nơi (Hình 4).

Giải pháp tăng cường quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Một là, giải pháp về việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý để bảo tồn và phát huy giá trị DTQG.

Khi thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng công trình gần khu vực DTQG cần chú ý để không phá vỡ môi trường, cảnh quan, không gian của DTQG. Quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DTQG, phân định rõ các khu vực cần bảo vệ nghiêm và những vị trí quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển kinh tế. Ngoài ra, yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết để xây dựng các dự án thành phần về công trình hạ tầng, công trình di tích, công trình quản lý xung quanh DTQG (bãi đỗ xe, vệ sinh, cấp điện, nước…).

Cơ quan quản lý nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các DTQG. Quy định rõ trách nhiệm quản lý DTQG khi bị xâm hại, phá dỡ, sửa chữa chống xuống cấp không đúng quy định, làm biến dạng kiến trúc, hoặc xuất hiện những hiện vật, đồ vật phi truyền thống tại di tích. Bên cạnh đó, cần tạo lập sự thống nhất, minh bạch và có trách nhiệm trong phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DTQG giữa các cơ quan quản lý các cấp.

Thường xuyên tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động quản lý DTQG, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn để các cơ quan quản lý có thẩm quyền liên quan bổ sung, hoàn thiện cơ chế, pháp lý và xây dựng tiêu chí quản lý phù hợp. Hằng năm, tổng hợp thành báo cáo chung, công khai về danh sách các công trình và hiện vật thuộc di tích trên địa bàn và những vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị DTQG.

Văn Miếu Xích Đằng trong quần thể di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Bằng Cao.

Hai là, giải pháp về tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức.

Bố trí, phân công và quy định rõ trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các cơ quan quản lý các cấp, đặc biệt là công chức văn hóa ở cấp xã theo dõi và phối hợp quản lý DTQG trên địa bàn. Thực hiện chính sách và chế độ đãi ngộ về vật chất, khuyến khích về tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý di tích và hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, những công trình mang nét đặc trưng riêng của địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị các DTQG. Cần có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, như: ưu tiên tuyển dụng, xếp ngạch phù hợp; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng liên tục; đề bạt, bổ nhiệm kịp thời…

Ba là, giải pháp về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các DTQG.

Nhu cầu về vốn đầu tư sửa chữa, tôn tạo và chống xuống cấp DTQG là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn chế nên nguồn huy động xã hội hóa vẫn là một giải pháp quan trọng hiện nay. Theo đó, cần nghiên cứu, đề xuất thành lập quỹ bảo tồn di tích để thu hút thêm nguồn lực đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng quản lý, sử dụng kinh phí không hiệu quả, không đúng mục đích.

Bốn là, giải pháp về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý DTQG.

Thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các DTQG cần được thực hiện thường xuyên, thông qua xác minh thông tin được dư luận phản ánh để tham mưu, xử lý những vi phạm. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong quá trình tu bổ, sửa chữa và chống xuống cấp. Kiên quyết xử lý, tăng mức xử phạt hành chính để kịp thời ngăn chặn và răn đe những hành vi vi phạm. Có kế hoạch và biện pháp giải quyết hiệu quả, xử lý dứt điểm những tồn tại và vi phạm kéo dài. Tiếp tục tổ chức, chỉ đạo thực hiện truy tìm và thu hồi di vật, cổ vật đã bị mất trộm.

Ngoài ra, một số giải pháp khác, như: ứng dụng khoa học – công nghệ mới; giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức pháp luật về DSVH; kết nối quản lý thống nhất hệ thống DTQG trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, phát huy giá trị các DTQG gắn với phát triển du lịch thông qua kết nối quản lý thống nhất và số hóa hệ thống DTQG sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đồng thời, góp phần tiết kiệm chí phí, tăng hiệu quả quản lý, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, khắc phục hạn chế trong việc sử dụng nguồn nhân lực.

Chú thích:
1. Tỉnh Hưng Yên. https://www.mpi.gov.vn, truy cập ngày 11/4/2023.
2. Hưng Yên. Phát huy thế mạnh du lịch văn hoá làng nghề. https://dangcongsan.vn, ngày 20/5/2022.
3, 4, 5. Công văn số 1210/SVHTTDL-QLVHGĐ ngày 22/12/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên về việc cung cấp thông tin thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.
TS. Quách Ngọc Dũng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên