Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới 

Trần Thị Hương
Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế trí thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện được xác định là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Bài viết làm rõ hơn chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, thực trạng và kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Từ khoá: Đội ngũ trí thức Việt Nam, thời kỳ đổi mới, nghị quyết của Đảng.

Sáng 14/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học FPT cơ sở Hoà Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Dương Giang-TTXVN.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi cơ bản lực lượng lao động xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi nền kinh tế quốc gia theo mô hình kinh tế tri thức; theo đó, chuyển đổi từ mô hình dựa vào tài nguyên, thâm dụng lao động sang mô hình lấy tri thức, thông tin, năng lực đổi mới sáng tạo làm tư liệu sản xuất chủ yếu. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lao động trí óc, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà đội ngũ trí thức đóng vai trò nòng cốt.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối rõ ràng về xây dựng đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế mà nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc; việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả; chậm khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng đắn về việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng với yêu cầu hội nhập hiện nay.

Từ các nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ X – XIII, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, đường lối về xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ cho phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra năm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức; nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức.

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của Đất nước…”1.

Đến Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài. Trong đó. chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”2. Đồng thời, khẳng định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”3.

Mới đây nhất, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Theo đó, Nghị quyết này tiếp tục đề ra một số quan điểm cơ bản:

Thứ nhất, đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất có chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.

Thứ ba, động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa (XIII) đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về đội ngũ trí thức, nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Việc thể chế hoá Nghị quyết được quan tâm; cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tiếp tục được hoàn thiện. 

Đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ, văn hoá, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao của đội ngũ trí thức góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức của trí thức được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của trí thức; công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường, tạo sự đồng thuận của trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với đội ngũ trí thức4.

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới; đồng thời, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. 

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam còn những hạn chế, như:  

(1) Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp thấp, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 

(2) Việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học vừa ít, vừa manh mún, phương thức quản lý lạc hậu, bất cập. Những chính sách và cơ chế quản lý hoạt động khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng đã lạc hậu, chậm đổi mới… 

(3) Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và trách nhiệm đối với đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc. Chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức việc tham khảo ý kiến của đội ngũ trí thức trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, các dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức ở địa phương đối với các chương trình, dự án quan trọng liên quan đến quốc kế – dân sinh. Nhiều địa phương chưa định kỳ tổ chức gặp mặt đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trí thức.

(4) Việt Nam đang thiếu các nhà lãnh đạo quản lý tầm cỡ, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề, các công chức trong bộ máy chính quyền các cấp tinh thông nghề nghiệp và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về đạo đức công vụ.

(5) Vai trò, vị thế của đội ngũ trí thức có lúc, có nơi vẫn còn bị xem nhẹ, chưa bình đẳng. Một bộ phận trí thức có trình độ chuyên môn cao đã lựa chọn việc phục vụ các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ nước ngoài để phát huy tối đa năng lực công tác. 

Nghị quyết số 45-NQ/TW đã đề ra một số mục tiêu đến năm 2030 như: (1) Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. (2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, văn học, nghệ thuật. (3) Phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; (4) Tăng số lượng phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khu vực và thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao; công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Nâng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế5.

Để hiện thực hóa các mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW nói riêng và tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức nói chung trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển đội ngũ tri thức trong tình mới. Theo đó, thường xuyên quán triệt, củng cố nhận thức chính trị của đội ngũ trí thức về vai trò, trách nhiệm đối với đất nước. Tăng cường và đổi mới công tác tư tưởng của Đảng đối với trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và trách nhiệm công dân đối với xã hội…

Hai là, tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Khẩn trương thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Sớm ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức; đổi mới công tác quản lý khoa học, công nghệ; chú trọng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp thu và truyền bá tri thức tiên tiến. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức. Đổi mới, nâng cao hiệu quả việc đánh giá, công nhận các chức danh khoa học; rà soát, hoàn thiện hệ thống giải thưởng nhà nước, giải thưởng ngành, lĩnh vực và các chính sách tôn vinh khác đối với đội ngũ trí thức…

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật; hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển đội ngũ trí thức; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ trí thức.

Ba là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài. Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở tiên tiến trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động…

Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược…

Bốn là, tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến. Nâng cao hiệu quả và phát huy hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo; khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các quỹ đầu tư khoa học và công nghệ, thu hút trí thức tham gia hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có năng lực tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm quốc gia.

Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới có khả năng cạnh tranh quốc tế. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hoá, văn học, nghệ thuật.

Tăng cường hợp tác với trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức người nước ngoài trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới, quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật, liên kết, hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ với các quốc gia, tổ chức đối tác có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài… 

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với đất nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức Việt Nam góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức. Tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Xây dựng tổ chức đảng trong các hội trí thức trong sạch, vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt chính trị trong hoạt động của hội. Quan tâm phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ đáp ứng yêu cầu của Đảng.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 161-162.
2,3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 167, 115.
4,5. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.