Một số vấn đề đặt ra về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Thiếu tá, ThS. Nguyễn Tú Anh
Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

(Quanlynhanuoc.vn) – Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam là hết sức quan trọng. Điều này, đang đặt ra một số vấn đề về lý luận, thực tiễn đòi hỏi mỗi chủ thể của hệ thống chính trị cơ sở và đồng bào dân tộc thiểu số cần quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử, cụ thể ở mỗi vùng, mỗi địa phương để giải quyết từng vấn đề đem lại kết quả như mong muốn. Bài viết nêu một số vấn đề và đề xuất một số biện pháp thực hiện vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Hệ thống chính trị cơ sở; giữ gìn bản sắc văn hóa; dân tộc thiểu số; Vùng Tây Bắc Việt Nam.

1. Đặt vấn đề 

Hệ thống chính trị cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Vì vậy, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của hệ thống chính trị cơ sở, hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về nhận thức và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, miền trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, so với mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc còn bộc lộ một số hạn chế về năng lực làm việc, điều kiện bảo đảm cho hoạt động giữ gìn và có chế độ, chính sách để thực hiện vai trò của mình. 

2. Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay 

Một là, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế – xã hội đặt ra yêu cầu cao so với trình độ, năng lực của hệ thống chính trị cơ sở và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.

Đảng ta đã khẳng định: “Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”1. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa”2

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó nêu rõ giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 xác định: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu trên 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định: phát triển văn hóa các dân tộc nhằm nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương… Đó là những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống chính trị cơ sở cấp xã rất cao để từng bước hiện thực hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về văn hóa đi vào thực tiễn cuộc sống. 

Yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đặt ra yêu cầu cao, song năng lực thực hiện của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa cụ thể hóa vào từng nội dung, chương trình hành động. Trình độ, năng lực là một rào cản ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hiện nay, tỷ lệ tái mù chữ ở một số đồng bào dân tộc thiểu số đang diễn ra vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các huyện Mường Nhé, Mường Chà (Điện Biên), Sốp Cộp, Thuận Châu (Sơn La)… vẫn còn; số người lớn tuổi ngại học, quãng đường từ nhà đến lớp học xa, đi lại khó khăn, vất vả nhiều trẻ em ở các thôn, bản không đi học do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội. Do đó, việc tái mù chữ, chỉ biết đọc, biết viết, thiếu thông tin kiến thức vẫn đang là vấn đề đặt ra rất cấp bách cho hệ thống chính trị cơ sở cấp xã ở các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay. Điều này đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chế độ, chính sách do Đảng, Nhà nước triển khai.

Đây cũng là vấn đề đặt ra cấp bách cho hệ thống chính trị cơ sở cấp xã phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao trình độ dân trí và văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam; khi trình độ dân trí được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc sẽ tích cực, chủ động tham gia cùng với hệ thống chính trị cơ sở thực hiện các nội dung, biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa, làm cho những giá trị bản sắc văn hóa trở thành nguồn lực quan trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Ngược lại, nếu trình độ dân trí thấp, không nhận thức được các vấn đề xã hội, gây khó khăn cho hệ thống chính trị cơ sở trong tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Hai là, nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú song khả năng thực hiện vai trò của hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc còn hạn chế.

Những giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam gắn liền với cuộc sống sinh hoạt đời thường của mỗi người dân. Nhiều giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần đã trở thành niềm tự hào, giá trị đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc; là kho báu về giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, nơi đây hội tụ đầy đủ các sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; là địa bàn sinh sống lâu đời của hơn 30 dân tộc thiểu số. Mỗi một khu vực, địa bàn ở các tỉnh vùng Tây Bắc đều có những địa danh văn hóa nổi tiếng gắn liền với những chiến công đấu tranh chống giặc ngoại xâm, song vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong đánh thức, khơi dậy nguồn lực văn hóa chưa được phát huy đầy đủ. 

Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã chưa phát huy hết tính tiền phong, gương mẫu để nghiên cứu cách làm, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đa phần đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn, thiếu thốn nhưng chưa có những chủ trương, biện pháp sát hợp để hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế. 

Chẳng hạn như, người Thái có nghề thủ công đan lát truyền thống rất nổi tiếng, người Mông có nghề truyền thống dệt thêu thổ cẩm, nghề rèn, làm giấy… nhưng giá trị kinh tế đem lại không cao, một số nghề như nghề làm giấy, nghề rèn đã dần bị mai một, lãng quên, rất ít gia đình còn theo nghề truyền thống, chuyển sang trồng chọt, chăn nuôi, buôn bán hoặc làm những nghề phụ ở thành phố, thị xã. Điều này đòi hỏi hệ thống chính trị cơ sở cấp xã phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và đồng bào dân tộc thiểu số vừa giữ gìn nghề truyền thống vừa đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực làm thay đổi diện mạo đời sống của Nhân dân. 

Việc quy hoạch, phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng chưa nhiều, vẫn chủ yếu tập trung ở những khu vực nổi tiếng, vốn trước kia là địa danh được nhiều người biết đến, như: chợ tình Sapa, Bản Lác… những địa danh mới thì hầu như ít có du khách đến thăm quan, ngay cả hầm Đờ cát, đồi chiến thắng A1, bảo tàng chiến thắng ở tỉnh Điện Biên vào những ngày cuối tuần rất ít người đến tham quan, chủ yếu là người dân bản địa đến vui chơi giải trí vào những ngày nghỉ… 

Do nhiều nguyên khách quan, chủ quan khác nhau mà nguồn lực văn hóa vẫn chưa được đánh thức và vẫn còn ở dạng tiềm năng, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở cấp xã, nơi trực tiếp, gần với Nhân dân nhất, để nắm bắt hiện trạng của từng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, từ đó tham mưu, đề xuất với cấp trên cho phù hợp thực tiễn. 

Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần phụ thuộc rất lớn vào tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu đựng khó khăn, vất vả của cán bộ cấp cơ sở. Đồng bào dân tộc thiểu số là chủ nhân sáng tạo ra giá trị bản sắc văn hóa, song việc giữ gìn và phát huy không chỉ phụ thuộc vào đồng bào dân tộc thiểu số mà còn phụ thuộc vào cách thức quản lý, chương trình, kế hoạch hành động của hệ thống chính trị các cấp đối với từng loại hình văn hóa. Hơn nữa bản thân đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa nhận diện đầy đủ được các giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần cần thiết để giữ gìn và phát huy… 

Ba là, điều kiện bảo đảm thực hiện vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn gốc, động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa vùng Tây Bắc với các vùng khác; song điều kiện bảo đảm thực hiện cần có, như: kinh phí, nguồn lực chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh ở mỗi khu vực, địa bàn. Cơ chế, chính sách bảo đảm cho hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phát huy được vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với hoạt động này. 

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt là cán bộ phụ trách về văn hóa đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài thực hiện những nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, địa phương theo chức trách được phân công, cán bộ phụ trách văn hóa tiến hành rất nhiều các hoạt động khác nhau, như: tham gia vào dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, phổ biến pháp luật, kế hoạch hóa gia đình… trong khi đó mức lương hỗ trợ không có, tự bỏ kinh phí đi vào từng thôn, bản để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số; lực lượng nghệ nhân, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín tham gia vào hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa được hưởng rất ít kinh phí hỗ trợ; có những hoạt động phải huy động sự chung tay, góp sức của đồng bào dân tộc thiểu số cùng tham gia, như: tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, làm đường giao thông. Những rào cản, khó khăn này ảnh hưởng phần nào đến quá trình thực thi nhiệm vụ đối với hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, chưa có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã làm việc, bám thôn, bám bản, đi vào từng hộ gia đình giúp đỡ, hướng dẫn cách thức, phương pháp lao động sản xuất, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. 

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, như: ưu tiên là người con em đồng bào dân tộc vào vị trí lãnh đạo, quản lý, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của UBND các xã, trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu nơi làm việc; xếp vào nguồn phát triển… Song, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách đó vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã nói chung cán bộ phụ trách văn hóa nói riêng. Vì vậy, thời gian tới rất cần đến những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá và trang bị đầy đủ hơn cơ sở vật chất để vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. 

3. Một số biện pháp cơ bản tăng cường vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây

Một là, hệ thống chính trị cơ sở cần quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình về vai trò của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Theo đó, các chủ thể lãnh đạo, quản lý cấp trên của hệ thống chính trị cơ sở cần quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho hệ thống chính trị cơ sở cấp dưới nắm chắc những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Hai là, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan đến đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đồng bào các dân tộc thiểu số cùng tham gia vào hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. 

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vùng Tây Bắc bằng cách thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác ở hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc. 

Bốn là, hệ thống chính trị cơ sở tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng bán chuyên trách là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tham gia vào hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. 

Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Giữ gìn bản sắc văn hóa, văn minh, tiến bộ vì con người, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan kìm hãm, cản trở sự tiến bộ của xã hội và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng sự kém hiểu biết, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, yếu kém để xuyên tạc, chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. 

4. Kết luận 

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Song trước hết thuộc về Đảng bộ, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên mảnh đất Tây Bắc – chủ nhân sáng tạo ra những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, làm phong phú, đa dạng thêm bức tranh văn hóa Việt Nam thêm sống động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Những vấn đề đặt ra trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đòi hỏi hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc hành động mạnh mẽ, quyết liệt, phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi địa phương. Việc giải quyết tốt những vấn đề đặt ra, là cơ sở để hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc đưa nghị quyết của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đi vào thực tiễn cuộc sống, xoá bỏ khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, miền, đưa vùng Tây Bắc trở thành địa chỉ hấp dẫn trong thu hút các nguồn lực. 

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 61.
2. Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. https://tapchicongsan.vn, ngày 24/11/2021.