Thanh Hóa thực hiện chính sách đào tạo nghề đối với lao động vùng dân tộc thiểu số

(QLNN) – Đào tạo nghề là một trong những chính sách có vai trò rất lớn đối với lao động dân tộc thiểu số nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề đối với lao động dân tộc thiểu số, tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi chính quyền tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề đối với lao động dân tộc thiểu số.

 

Lớp dạy cắt may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống (Ảnh: http://baothanhhoa.vn).

Thực trạng thực hiện chính sách đào tạo nghề đối với lao động vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa

Các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa tập trung chủ yếu ở 11 huyện miền núi và 6 huyện giáp ranh, với dân số  621.436 người người, gồm 6 dân tộc chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Có 7 huyện nghèo, 115 xã đặc biệt khó khăn và 197 thôn, bản đặc biệt khó khăn1.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”và Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các chính sách do Trung ương ban hành nhằm tạo môi trường thuận lợi để dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của chính sách đào tạo nghề (ĐTN) đối với lao động vùng DTTS được tỉnh xác định là: nâng cao chất lượng và hiệu quả ĐTN, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động DTTS, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn2.

Đối với 11 huyện miền núi, trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: trồng và khai thác rừng, kỹ thuật trồng luồng hỗn giao; bảo vệ rừng; sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp; kỹ thuật nông lâm kết hợp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến nông lâm thủy sản; nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ tập trung dạy các nghề chủ yếu sau: sửa chữa cơ khí, nguội lắp ráp cơ khí; sửa chữa máy bơm điện; quản lý điện nông thôn, điện dân dụng; mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ…

Giải pháp của chính sách được đưa ra bao gồm: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội, của cán bộ, công chức xã và lao động nông thôn, trong đó có lao động DTTS về vai trò của ĐTN đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển mạng lưới cơ sở ĐTN; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách.

Các chủ thể tham gia thực hiện chính sách ĐTN đối với lao động vùng DTTS là các cơ quan trong bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp, chủ trì các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, còn các có cơ quan khác như UBND các huyện, các xã vùng DTTS; Ban Dân tộc tỉnh, các trường trung cấp nghề miền núi, trung tâm giáo dục nghề nghiệp…

Đối tượng đối tượng chịu tác động trực tiếp chính sách ĐTN đối với lao động vùng DTTS của chính sách này là người lao động DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó quan trọng nhất là thanh niên DTTS.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quá trình thực hiện chính sách ĐTN đối với lao động vùng DTTS đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỉnh đã tiến hành ĐTN cho 6.029 người, bố trí việc làm cho 4.800 người sau khi tham gia các khóa học nghề. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và phát triển 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã ĐTN cho đồng bào DTTS trên địa bàn 11 huyện miền núi. Các cơ sở ĐTN hằng năm triển khai nhiều khóa dạy nghề về: chăn nuôi, trồng trọt, các lớp thủ công mỹ nghệ và các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc như dệt thổ cẩm… Ngoài ra, cơ sở vật chất, trường lớp học được đầu tư nâng cấp, máy móc được đầu tư hiện đại để phục vụ công tác ĐTN cho nhân dân3.

Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành dạy ngoại ngữ cho thanh niên DTTS nhằm xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Năm 2018, tỉnh đã tổ chức các lớp học ngoại ngữ và xuất khẩu lao động cho 2.760 lao động là người DTTS đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập xê út…4. Có thể thấy, chính sách ĐTN đã phát huy vai trò to lớn trong việc giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế và đời sống của đồng bào DTTS trong tỉnh, qua đó góp phần giảm tỉ lệ hộ hộ nghèo xuống 2,54%/năm, thu nhập hộ nghèo tăng khoảng 1,74 lần.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTN cho lao động DTTS tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, công tác tuyên truyền về các lớp dạy nghề cho đồng bào DTTS được tiến hành chưa thực sự hiệu quả, chưa xác định trọng tâm tuyên truyền, vận động, nội dung, phương thức tuyên truyền còn chung chung, chưa phù hợp đối tượng lao động DTTS – đối tượng vốn có trình độ nhận thức còn hạn chế.

Chương trình dạy nghề chưa thực sự phù hợp, gắn với nhu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng sau khi học xong, học viên chưa tìm được việc làm phù hợp. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa còn chưa hỗ trợ và giới thiệu, tạo điều kiện cho các học viên là đồng bào DTTS sau khi học xong có việc làm phù hợp với chuyên môn được dạy.

Về phía lao động DTTS, nhận thức của người lao động DTTS khi tham gia các lớp dạy nghề còn thấp, vẫn còn nhiều người có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên sau học nghề vẫn quay lại làm các công việc như cũ, chưa mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp hay vay vốn để phát triển sản xuất.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do khung pháp lý hướng dẫn thực hiện chính sách ĐTN cho lao động DTTS còn chưa hoàn thiện, dẫn tới lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, chưa có cán bộ, công chức chuyên trách về triển khai chính sách ĐTN cho lao động DTTS, do vậy, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, tìm kiếm công ty, doanh nghiệp vừa dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động DTTS sau ĐTN chưa thực sự tốt.

Công tác đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề vừa hạn chế về kinh phí, vừa thiếu, vừa yếu về chất lượng giáo viên dạy nghề cùng với nội dung, chương trình dạy nghề cho lao động DTTS chưa sát với yêu cầu của thị trường nên chưa thực sự phù hợp với lao động vùng DTTS.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề đối với lao động vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ĐTN đối với lao động vùng DTTS tỉnh Thanh Hóa có thể triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức về vai trò của chính sách sách ĐTN đối với lao động vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, qua đó để các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Thứ hai, cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, tài chính và nguồn nhân lực cho các cơ sở ĐTN cho đồng bào DTTS. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy nghề; đồng thời, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng là lao động DTTS. Cùng với đó, cần tăng quy mô đào tạo gắn với đầu tư cho các trường nghề dân tộc nội trú; ĐTN gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động để bảo đảm cho học viên DTTS có việc làm sau khi tham gia các khóa học nghề.

Thứ ba, tăng cường chỉ đạo các huyện, xã, thị trấn trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của lao động DTTS song song với việc tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để nhằm ký kết, hợp tác đào tạo những ngành nghề phù hợp và giải quyết việc làm cho học viên DTTS sau khi họ được học nghề. Đồng thời, tỉnh cần tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động DTTS vào làm việc tại doanh nghiệp.

Thứ tư, tạo điều kiện để lao động DTTS sau học nghề được tiếp cận và vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, hạn chế tình trạng người lao động sau học nghề vẫn không tìm được việc làm mới.

Thứ năm, tổ chức tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, biểu dương những hộ gia đình giỏi sản xuất, những cá nhân tiêu biểu đạt thành tích cao trong lao động sản xuất, chuyển đổi sinh kế bền vững nhờ các ngành nghề được đào tạo.

Thực hiện chính sách ĐTN có ý nghĩa to lớn đối với lao động nông thôn nói chung và lao động DTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Thực hiện chính sách này không chỉ giúp đồng bào DTTS nâng cao tay nghề, tìm được việc làm, sinh kế ổn định, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, Thanh Hóa cần tăng cường triển khai thực hiện chính sách ĐTN với cách thức, giải pháp đổi mới, sáng tạo để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn./.

Chú thích:
1. Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, Cổng thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, 2015.
2. UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 3906/QĐ-UBND ngày 29/10/2010 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.
3. Thanh Hóa: Chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, https://infonet.vn, ngày 11/10/2018.
4. Thanh Hóa đưa được nhiều lao động miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Báo ảnh Dân tộc Miền núi, https://dantocmiennui.vn, ngày 12/03/2019.
ThS. Đỗ Thị Vui
Học viện Hành chính Quốc gia